Biến đổi khí hậu khiến 8 tỉ người nguy cơ mắc sốt rét, sốt xuất huyết

Một nghiên cứu mới cho thấy, hơn 8 tỉ người có thể có nguy cơ mắc bệnh sốt rét và sốt xuất huyết vào năm 2080 nếu lượng phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng mạnh và gây biến đổi khí hậu.

Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sức khỏe Hành tinh Lancet, nếu mức phát thải tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại và tác động lên nhiệt độ toàn cầu, thì mùa truyền bệnh sốt rét sẽ tăng thêm 1 tháng và mùa truyền bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng thêm 4 tháng trong vòng 50 năm tới.

Biến đổi khí hậu có thể khiến 8 tỉ người có nguy cơ mắc sốt rét, sốt xuất huyết. Ảnh: AFP

Đồng tác giả nghiên cứu Felipe J Colón-González từ Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London cho biết: “Nghiên cứu này cho thấy, việc giảm phát thải khí nhà kính có thể ngăn hàng triệu người khỏi mắc bệnh sốt rét và sốt xuất huyết. Phải hành động để nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C”.

“Những nhà hoạch định chính sách và các quan chức y tế nên sẵn sàng cho mọi tình huống, bao gồm cả những tình huống mà lượng khí thải vẫn ở mức cao. Điều này đặc biệt quan trọng ở những khu vực mà hệ thống y tế còn yếu kém”.

“Việc phòng tránh sốt rét và sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu dựa vào việc kiểm soát quần thể muỗi và giảm tiếp xúc giữa muỗi và người. Mặc dù các chiến dịch giảm thiểu muỗi có thể hiệu quả, nhưng chúng rất khó duy trì, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp” – Colón-González nói.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có hơn 400.000 người chết vì bệnh sốt rét mỗi năm, chủ yếu là trẻ em. Hiện nay, dạng bệnh sốt rét nguy hiểm nhất là P falciparum, chiếm 90% các trường hợp. Ước tính có 100-400 triệu người mắc sốt xuất huyết hàng năm với hơn 20.000 người chết. Căn bệnh nguy hiểm này không có thuốc điều trị đặc hiệu.

Nhóm nghiên cứu từ LSHTM thừa nhận rằng, họ đã đưa ra kết quả dựa trên việc nghiên cứu các yếu tố về mức độ phát thải khí nhà kính và mật độ dân số, nhưng họ vẫn chưa tính đến một số yếu tố khác như sự phát triển của các loại thuốc và vaccine.