Hổ đang trở lại

“Chúng ta đang mất hổ” – tôi đã viết dòng này gần một thập kỷ trước để mở đầu một bài báo nói về sự suy giảm loài mèo lớn ở châu Á. Thời điểm đó chỉ còn khoảng 3.200 cá thể hổ hoang dã. Loài này cũng biến mất ở 11 nước từng là vùng sinh sống của chúng và 3 phân loài đặc hữu ở Bali, Java, Trung Á đã biến mất vĩnh viễn.

Ảnh: Nick Garbutt

Sự suy giảm nhanh chóng của chúng bắt nguồn chủ yếu từ việc sinh cảnh hổ bị chuyển đổi nhằm phục vụ con người và tình trạng săn bắn quá mức dưới hình thức môn thể thao quý tộc của giới tinh hoa châu Âu và tầng lớp quý tộc châu Á – món giải trí không thể ngăn cản.

Áp lực không hề bớt đi dù săn hổ để mua vui bị coi là bất hợp pháp ở tất cả các quốc gia từ những năm 1970. Hiện có thêm hơn 750 triệu người so với một thập kỷ trước. Chỉ riêng 3 nước có nhiều quần thể hổ nhất gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia đã có thêm 113 triệu người. Gia tăng dân số (dù ở nước có hổ hay không) đồng nghĩa với gia tăng áp lực lên các cảnh quan tự nhiên có hổ.

Điều đáng ngại là nhu cầu về hổ cũng nở rộ. Giống như trò săn lấy chiến lợi phẩm trước kia, một số người vẫn cho rằng sở hữu da, nanh hay vuốt hổ là đẳng cấp. Xương và các bộ phận của hổ rất có giá ở Đông Á do sự cổ súy sử dụng chúng để làm thuốc và khoe của.

Con người đang liên tục tạo áp lực lên loài hổ, và không khó đoán rằng chúng ta đã mất hổ. Cả một thập kỷ can thiệp nhưng hổ vẫn mất (hoặc được xác nhận vắng bóng) ở 3 nước Lào, Campuchia và Việt Nam. Trên toàn cầu, hổ đang suy giảm.

Nhưng không phải ở mọi nơi.

Ở một vài nơi có hổ sinh sống, chúng ta bắt đầu thấy quần thể hổ tăng lên. Những hình ảnh mới đây ở khu bảo tồn Huai Kha Khaeng (HKK) tại Thái Lan là minh chứng.

Với hỗ trợ từ WCS, Cục VQG và Bảo tồn động thực vật Thái Lan đã biến HKK trở thành thành trì cho loài hổ.

Ở khu bảo tồn mà giới săn trộm từng tự tung tự tác này, Cục VQG và Bảo tồn động thực vật liên tục thực hiện nhiều cuộc tuần tra gắt gao. Săn trộm trở nên khó khăn hơn, dễ bị bắt và bị truy tố. Lớp màn bảo vệ giăng khắp cảnh quan, giúp cho hổ và các loài con mồi như bò banteng, nai và lợn rừng phát triển trở lại.

Ảnh: Nick Garbutt

Quả vậy, hổ đang phát triển tốt ở HKK và lan ra cảnh quan lân cận. Khu bảo tồn là một phần của Tổ hợp rừng phía Tây – khu rừng lớn nhất Đông Nam Á với diện tích khoảng 18.000 km2, gồm 17 khu bảo tồn nối tiếp nhau. Hổ sinh ra ở HKK được bẫy ảnh chụp lại tại khu bảo tồn giáp ranh và ở cả Myanmar.

Đây là minh họa rõ nét về cách tiếp cận “điểm nguồn” của WCS với nỗ lực bảo vệ những quần thể hổ còn lại, giúp chúng sinh sản, hồi phục và bắt đầu lan tỏa sang những khu rừng không còn hổ.

HKK là ví dụ đặc biệt thành công nhưng không phải duy nhất. Chúng ta thấy được xu hướng này ở nhiều vùng có hổ sinh sống. Nơi nào chính quyền cam kết nhiệt thành bảo vệ hổ và các loài con mồi khỏi nạn săn trộm thì hổ sẽ bắt đầu quá trình hồi phục lâu dài.

Tất nhiên, chúng ta còn một chặng đường dài để tuyên bố chiến thắng. Hồi phục không phải quá trình một sớm một chiều, nỗ lực của WCS và Cục VQG và Bảo tồn động thực vật Thái Lan ở HKK bắt đầu từ cả thập kỷ trước, và cần phải duy trì trong thời gian dài nữa tới khi nào vẫn còn có người sẵn lòng trả nhiều tiền để mua hổ chết hay thịt rừng. Và bảo vệ thật tốt là chưa chưa đủ để các loài hoang dã quay lại.

Phá vỡ các mạng lưới tội phạm buôn lậu động vật hoang dã, xóa bỏ nhu cầu tiêu dùng các bộ phận hổ, đảm bảo những người sống gần hổ không giết chúng là những yếu tố thiết yếu. Nhưng hiện nay, điều quan trọng nhất chúng ta cần làm là tạo sức ép lên những kẻ săn trộm. Khi chúng ta thực hiện được các yếu tố đó, hổ sẽ quay lại.

Đương nhiên hổ vẫn đang mất đi, một số quần thể nằm trên bờ vực tuyệt chủng. Hổ ở Huai Kha Khaeng cho chúng ta thấy sức sống của loài là thế nào khi chúng ta cởi bỏ áp lực lên chúng. Nếu chúng ta tiếp tục làm thế ở càng nhiều nơi có hổ sinh sống, chúng ta sẽ cứu được loài mèo lớn của châu Á này.

TS. Luke Hunter, Giám đốc chương trình mèo lớn thuộc tổ chức WCS