Bảo tồn giống cây trồng trước biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Công ước Quốc tế về Bảo tồn Đa dạng Sinh học (CBD) được thông qua năm 1992 tại Rio de Janeiro đã kêu gọi bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng hợp lí và bền vững tài nguyên đa dạng sinh học trên toàn thế giới, đưa bảo tồn đa dạng sinh học trở thành vấn đề cấp thiết. Một trong những giải pháp đầy triển vọng đáp lại lời kêu gọi này là sự ra đời của các ngân hàng bảo tồn gen cây trồng.


Công ước CBD được xây dựng nhằm đối phó với sự gia tăng tỉ lệ tuyệt chủng các loài thực vật do mất môi trường sống, hóa giải sự quan ngại của các quốc gia nghèo đối với tình trạng “đánh cắp sinh học”, với sự gia tăng sử dụng đất nông nghiệp trồng các cây có giá trị cao đi kèm với việc loại bỏ các cây kém năng suất – một thực tế làm giảm đa dạng sinh học cây trồng.

Xu hướng ấm lên toàn cầu gần đây đã đặt ra những mối đe dọa lớn đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh nông toàn cầu do sự biến đổi nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển (theo đó là sự xâm nhập mặn). Thêm vào đó, các mô hình máy tính còn cho thấy ấm lên toàn cầu sẽ làm tăng tần suất và kéo dài thời gian lũ lụt, hạn hán.

Để bảo vệ nguồn cung cấp thực phẩm lâu dài cho nền văn minh nhân loại, bảo đảm an ninh lương thực trước những tác động tiềm ẩn của thời tiết, các nhà khoa học và các chuyên gia chính sách nông nghiệp phối hợp với các chính phủ đã bắt đầu xây dựng hệ thống ngân hàng gen đông lạnh giúp bảo tồn hạt giống cây trồng có giá trị cho nền nông nghiệp trong tương lai.

Có thể kể đến Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế ở Philipin, nơi bảo quản hơn 100.000 giống lúa gạo.

Tuy nhiên chi phí hoạt động của các ngân hàng gen đông lạnh như thế rất tốn kém. Thêm vào đó, các ngân hàng kiểu này thường tập trung vào tương đối ít các loại cây lương thực chính của con người như lúa gạo, lúa mì, ngô, khoai tây và đậu nành.

Nhiều nhà khoa học nông nghiệp đang đề xuất bổ sung thêm các loại cây trồng khác và các loài thực vật hoang dã như các giống họ đậu, kê, các loại cây củ, những loài mà gen có thể thích nghi với điều kiện khô hạn, xâm mặn và bệnh dịch hạch.

Để đáp ứng những yêu cầu này, Tổ chức Ủy thác Đa dạng Sinh học Toàn cầu (Global Biodiversity Trust) đã phối hợp với chính phủ Na Uy xây dựng hầm chứa gen Svalbard từ năm 2007. Hầm chân không biệt lập này được đặt gần Bắc Cực nên không cần đến những công nghệ đông lạnh đắt tiền. Hầm có khả năng bảo quản mọi giống cây trồng có giá trị kinh tế cao nhất của con người hiện nay.

Trong khi công việc bảo tồn các loài thực vật trong tự nhiên và trong các nông trại đóng vai trò quan trọng trong đa dạng sinh học, những lãnh địa này lại luôn gặp thách thức từ những loài xâm lấn, từ sự tàn phá của con người, thậm chí từ cả các nhân tố của thị trường toàn cầu.

Chính vì thế các ngân hàng gen đang nhanh chóng trở thành giải pháp hữu hiệu nhất mặc dù tốn kém hơn để đảm bảo rằng đa dạng sinh nông của loài người suốt 10.000 năm qua được bảo tồn cho các thế hệ mai sau. Điều này đặc biệt quan trọng vì tương lai của những thế hệ tương lai sẽ phụ thuộc vào sự đa dạng ấy. Như nhà sinh thái M. S. Swaminathan từng viết trong một bài báo trên tạp chí Science: ”Mỗi một gen và một loài mất đi sẽ hạn chế lựa chọn cho tương lai của chúng ta’.

Mô hình bảo tồn đa dạng sinh nông hiện nay nhấn mạnh tính cần thiết phải có sự phối hợp hai khu vực nhà nước – tư nhân hiệu quả hơn trên phạm vi quốc tế. Đặt ra các nguyên tắc để khởi động sự hợp tác này sẽ là một trong những chủ đề lớn trong chương trình nghị sự của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu tại Copenhagen khai mạc đầu tuần tới.