Làm giàu rừng Đồng Nai

Hơn 10.000 m2 rừng nghèo tại Khu Dự Trữ Sinh Quyển Đồng Nai đã được làm giàu bằng cách trồng thêm 500 cây thuộc 5 loài cây bản địa gồm cây gỗ và cây làm thức ăn cho động vật hoang dã nhằm tăng mức độ đa dạng sinh học của khu rừng, qua đó cải thiện các giá trị sinh thái như tạo môi trường sống cho các  loài động vật hoang dã quý hiếm, điều hoà không khí, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đây là hoạt động trong Chương trình trồng và giám sát rừng do Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia khởi sướng với sự ủng hộ của Khu Dự trữ Sinh Quyển Thế giới Đồng Nai và Công ty EXO Travel. Khu rừng được trồng mới cũng sẽ được chăm sóc liên tục trong 4 năm để đảm bảo sự phát triển bền vững của rừng.

Các cán bộ và nhân viên công ty Eco Travel trồng cây tại Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai

Điểm đặc biệt của chương trình trồng rừng này là người trồng rừng được tự tay điều tra, đánh giá hiện trạng khu rừng trước khi trồng, và liên tục 4 năm sau khi trồng; nhằm thấy rõ tác động đến môi trường và hệ sinh thái mà khu rừng mang lại. Các hoạt động đánh giá chất lượng rừng bao gồm: kiểm đếm số loài động, thực vật, đánh giá mức độ sinh trưởng, tầng tán rừng và chụp ảnh giám sát thảm thực vật.

Khu rừng mới được làm giàu này, sẽ cung cấp thức ăn và nơi trú ngụ cho nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: Voi chấu á, Bò tót, Hồng hoàng…

Trong ngày trồng rừng, người tham gia còn được tìm hiểu nhiều thông tin thực tế về hiện trạng rừng và các loài hoang dã tại Việt Nam cũng như tại Khu Dự trữ Sinh Quyển Thế giới Đồng Nai. Nhiều trò chơi xây dựng tinh thần nhóm, lấy cảm hứng từ rừng và lối sống xanh thân thiện với môi trường cũng đã được tổ chức nhằm gắn kết người tham gia với nhau và với thiên nhiên.

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền – Nhà sáng lập – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, chia sẻ: “Khi diện tích rừng tại Việt Nam ngày càng bị thu hẹp, chất lượng rừng bị suy giảm, con người phải đối mặt với thiên tai, biến đổi khí hậu và sự biến mất của các loài hoang dã do không còn nơi sinh sống, kiếm ăn”. Bà Huyền cũng cho biết: “Các hoạt động trồng, giám sát rừng và các hoạt động xây dựng tinh thần nhóm đã được thiết kế tỉ mỉ, để người tham gia không chỉ đóng góp trực tiếp vào việc bảo tồn rừng, mà còn gặt hái được những kiến thức, trải nghiệm độc đáo, sáng tạo trong thiên nhiên,  trong một môi trường chuyên nghiệp, cởi mở, sáng tạo và đầy cảm hứng”.