Vĩnh Phúc – Ô nhiễm môi trường, vấn đề lớn nhưng xử lý nhỏ

Vĩnh Phúc là tỉnh có tốc độ thu hút đầu tư công nghiệp khá. Tuy nhiên, đi kèm với điều này là các vấn đề về môi trường. Nếu không sớm quan tâm, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng về mặt ô nhiễm môi trường.

Vấn đề lớn

Cần biết rằng Vĩnh Phúc có tốc độ thu hút đầu tư công nghiệp khá cao: trong 5 năm trở lại đây, trên 300 doanh nghiệp được đăng ký và đi vào hoạt động, tốc độ đô thị hóa từ đó cũng tăng theo rất mạnh, kéo theo một loạt vấn đề đặt ra cho môi trường đô thị. Vĩnh Phúc có 7 huyện, thị xã với 7 trung tâm đô thị và 2 thị xã, 8 cụm công nghiệp, khu công nghiệp đều là nơi tập trung dân cư đông đúc, trong khi đó cơ sở hạ tầng phát triển không theo kịp.

Môi trường nước mặt tại các đô thị đã có dấu hiệu ô nhiễm nặng. Nhu cầu ôxy sinh học (BOD5) vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP) 1,5 đến 9,4 lần, nhu cầu ôxy hoá học COD vượt TCCP 2 đến 15,4 lần, coliform vượt 1,2 đến 3,1 lần, các chỉ số NH3 và Fe đều vượt 1,2 đến 5,4 lần…

Bụi và tiếng ồn ở ở các đô thị của Vĩnh Phúc vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP) từ 1 đến 3 lần. Ở một số khu vực nhà máy, trục giao thông lớn lượng SO2 vượt TCCP tới 8 lần.

Riêng về chất thải bệnh viện lại càng đáng báo động. Trong số bệnh viện và 12 trung tâm y tế chỉ có duy nhất Viện quân y 109 có cả lò đốt chất thải rắn và hệ thống xử lý nước thải, bệnh viện đa khoa tỉnh chỉ có lò đốt, Viện K74 (thuộc Bộ Y tế) chỉ có hệ thống xử lý nước thải. Số cơ sở y tế còn lại chưa có bất kỳ hình thức xử lý nào đối với các loại chất thải.

Ở khu vực nông thôn, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng đang gia tăng mạnh. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng mỗi năm, có tới hàng trăm tấn phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật được thải ra môi trường. Trong tổng số hộ 315.270 hộ sống ở nông thôn thì chỉ có 30% hộ có hố xí hợp vệ sinh…

Xử lý nhỏ

Trước hết, hiện trạng xử lý chất thải rắn đô thị Vĩnh Phúc chỉ là chạy theo, đối phó chứ chưa có một chiến lược lâu dài. Thị xã Vĩnh Yên có một khu xử lý rác thải, nhưng rất thô sơ và còn xa mới đạt đến quy chuẩn.

Mỗi năm, trong số 34.000 tấn rác thải rắn của các khu đô thị của Vĩnh Phúc thải vào môi trường thì chỉ có chừng 20.000 tấn được đem ra xử lý theo đúng quy trình. Trừ thị xã Vĩnh Yên, các đô thị còn lại trên địa bàn chưa hề có quy hoạch bãi đổ rác.

Ở khu vực nông thôn, toàn bộ 152 xã, phường, thị trấn mới có 21 đơn vị có đội vệ sinh môi trường, hoạt động tình nguyện.Một số nơi có mô hình dịch vụ với sự đóng góp của nhân dân, nhưng ở tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, bởi không mấy ai chịu nộp tiền chi tiêu cho khoản này. Chuyện đáng lưu tâm ở khu vực này là có tới hàng chục ngàn chai, lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật, (BVTV) còn nguyên hoặc dang dở trôi nổi trong môi trường. Dù Chi cục BVTV Vĩnh Phúc đã tiến hành thu gom, nhưng không biết để vào đâu, xử lý thế nào, nên chúng được… để bừa bãi, không ai quan tâm đến.

Đôi điều đề xuất

Trước hết, các nhà lãnh đạo cấp tỉnh phải “xắn tay áo” vào cuộc. Phải có bộ máy đủ mạnh, với mạng lưới từ cấp huyện trở lên để theo dõi, tham mưu, đôn đốc. Bên cạnh đó cần dành những khoản kinh phí thích đáng cho hoạt động này.
Đối với các doanh nghiệp, muốn được phép sản xuất kinh doanh (SXKD) yêu cầu phải trình phương án xử lý môi trường khi hoạt động, được cơ quan chức năng thẩm định. Trên thực , vì “ưu đãi” đầu tư, nên cơ quan cấp phép thường “châm chước” để các doanh nghiệp báo cáo sau và thực tế không mấy doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề này sau khi đã được cấp phép.

Công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường cũng cần triển khai tốt từ các cơ quan, đoàn thể, tổ chức quần chúng và trau dồi ý thức cho mọi người dân để họ thực sự thấy nguy cơ ô nhiễm môi trường là vấn đề lớn, nhằm tiến tới xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường.