Báo cáo hiện trạng môi trường: Thiếu hệ thống, chưa chất lượng!

Công tác thực hiện báo cáo thực trạng môi trường nước ta chưa hiệu quả. Năm nhiều nhất có khoảng 80% tỉnh, thành nộp báo cáo. Năm ít nhất: khoảng 60%. Thống kê này được đưa ra trong hội thảo tổng kết mười năm công tác xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường, diễn ra vào sáng nay (26/8) tại Hà Nội.
Để tổng hợp thông tin vào Báo cáo Môi trường toàn cầu (GEO) giai đoạn 1998-2001, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã chủ trì hướng dẫn và tổ chức cho bảy nước khu vực châu Á – Thái Bình dương xây dựng báo cấo tổng hợp về hiện trạng môi trường quốc gia. Báo cáo của Việt Nam đã được UNEP đánh giá là điển hình trong khu vực. Những năm 2002, 2003, 2004 Việt Nam cũng đã hoàn thành ba báo cáo (tổng hợp về môi trường Việt Nam, môi trường nước Việt Nam, báo cáo chủ đề về rác thải). Ngoài ra, các thông tin về hiện trạng môi trường của Việt Nam cũng đã được tổng hợp chung vào một số báo cáo của khu vực và quốc tế khác.
 
Một trong những mục tiêu quan trọng của việc xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường là cung cấp thông tin nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng xã hội về tình hình môi trường; khuyến khích và thúc đẩy việc xây dựng, triển khai và nhân rộng các mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, nhằm thực hiện mục tiêu xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường.
 
Những năm qua, một số ít báo cáo của các tỉnh, thành nêu bật được tình hình môi trường của địa phương mình và bước đầu đánh giá sơ bộ được mối quan hệ giữa phát triển kinh tế-xã hội-môi trường và sức khoẻ của cộng đồng. Các báo cáo từng bước cung cấp thông tin, dữ liệu tin cậy về hiện trạng và diễn biến môi trường ở địa phương và toàn quốc. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin về môi trường cho các tầng lớp xã hội thông qua các báo cáo này mới chỉ bắt đầu trong thời gian gần đây, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Nhiều tỉnh, thành không lập báo cáo hiện trạng môi trường hàng năm theo quy định của Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT). Tình trạng nộp báo cáo chậm xảy ra thường xuyên. Có tỉnh, thành hai năm liền không lập báo cáo này. Nội dung và các trình bày của báo cáo không theo khuôn khổ thống nhất, không áp dụng mô hình ”Áp lực-hiện trạng-tác động-đáp ứng”; không thống nhất các chỉ thị, tiêu chí, chỉ tiêu môi trường nên gây khó khăn cho việc tổng hợp đánh giá trạng thái môi trường của các địa phương. Thậm chí nhiều số liệu không cập nhật, không hệ thống nên khó đánh giá được xu thế.
Có ý kiến cho rằng, kinh phí cho việc lập báo cáo hiện trạng môi trường chưa đưa vào ngân sách các địa phương, hoặc nếu có thì cũng không đủ phục vụ cho việc lập báo cáo có chất lượng. Về vấn đề này, thứ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên cho rằng những năm qua, Bộ TN-MT không hề tiếc tiền đầu tư cho việc lập báo cáo hiện trạng môi trường có chất lượng, thậm chí còn xin nhiều dự án hỗ trợ kinh phí để lập báo cáo chất lượng hơn.
Theo Thứ trưởng Phạm Khôi Nguyên, nên lập báo cáo hiện trạng môi trường theo kế hoạch năm năm một lần, thay vì mười năm như hiện nay. Thứ trưởng Nguyên cũng lưu ý: Các báo cáo của ta chưa chú trọng đưa đa dạng sinh học vào, mặc dù Việt Nam được đánh giá là đất nước có đa dạng sinh học vào bậc nhất thế giới.
Thứ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng nhấn mạnh: Quan trắc môi trường có vai trò rất quan trọng, cần tập trung vào đầu tư phát triển hệ thống mạng lưới trạm quan trắc, đặc biệt là ở các địa phương. Dù hình thành sớm mạng lưới quan trắc môi trường song các điểm quan trắc còn ít (22 trạm với gần 300 điểm phân bố trên địa bàn 45 địa phương, tập trung chủ yếu vào các điểm nóng  về môi trường như các đô thị lớn, các vùng sinh thái đặc biệt nhạy cảm về môi trường); một số điểm chưa mang tính đại diện; tần suất quan trắc còn thưa và các thông số quan trắc, thành phần môi trường được quan trắc còn thiếu. Vì vậy, các dữ liệu quan trắc môi trường thu thập và tổng hợp vào báo cáo hiện trạng môi trường chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đề ra.
Theo GS TSKH Phạm Ngọc Đăng (Trung tâm Kỹ thuật Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp), để thực sự có giá trị, báo cáo hiện trạng môi trường cấn “đi xa hơn việc mô tả môi trường lý-sinh  và trình bày đơn thuần các dữ liệu môi trường”. Theo GS Đăng, trước hết, báo cáo phải bao gồm việc phân tích hiện trạng và các xu hướng trong môi trường và các hệ quả của chúng; phải đánh giá và thể hiện được các mối liên quan và tác động của những xu hướng này đến sức khoẻ của con người, đến nền kinh tế và các hệ sinh thái; phải đánh giá được các đáp ứng hiện tại  và tiềm năng xã hội đối với các vấn đề môi trường đang tồn tại.
Chất lượng môi trường Việt Nam đang xuống cấp!
Môi trường đất: Có xu thế thoái hoá do xói mòn, rửa trôi, mất chất hữu cơ; khô hạn, sa mạc hoá, ngập úng, lũ; trượt, sạt lở đất; mặn hoá, phèn hoá… dẫn đến nhiều vùng đất bị cắn cỗi, không còn khả năng canh tác và tăng diện tích đất bị hoang mạc hoá.
Môi trường nước: Chất lượng nước ở thượng lưu các con sông còn khá tốt nhưng vùng hạ lưu phần lớn bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nghiêm trọng. Chất lượng nước suy giảm mạnh: nhiều chỉ tiêu như BOD, COD, NH4, tổng N, tổng P cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Nước ngầm ở một số vùng, đặc biệt là một số khu công nghiệp và đô thị có nguy cơ cạn kiệt vào mùa khô và ở một số nơi đã có dấu hiệu bị ô nhiễm do khai thác bừa bãi và không đúng kỹ thuật.
Môi trường không khí: Chất lượng không khí ở Việt Nam nói chung còn khá tốt, đặc biệt là ở nông thôn và miền núi. Thế nhưng vấn đề bụi lại đang trở thành vấn đề cấp bách ở các khu đô thị và các khu công nghiệp. Việc gia tăng các phương tiện giao thông cũng đang gây ô nhiễm không khí ở nhiều nơi. Nồng độ chì, khí CO khá cao, trực tiếp gây hại đến sức khoẻ của những người tham gia giao thông. Nhiều vụ cháy rừng gần đây làm suy giảm chất lượng không khí và gây ra một số hiện tượng thiên nhiên không bình thường khác.
Môi trường đô thị và công nghiệp: Ô nhiễm do hệ thống tiêu nước, thoát nước lạc hậu, xuống cấp nhanh. Năng lực thu gom chất thải rắn còn thấp kém; chất thải nguy hại chưa được thu gom và xử lý theo đúng quy định. Trong khi đó, bụi, khí thải, tiếng ồn… do hoạt động giao thông vận tải nội thị và mạng lưới cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ cùng với hạ tầng kỹ thuật đô thị yếu kém, không theo kịp với sự gia tăng dân số đã làm nảy sinh các vấn đề bất cập về mặt xã hội và vệ sinh môi trường đô thị.
Môi trường lao động, dân số và môi trường: Nhiều khu vực sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn  vệ sinh an toàn lao động, gia tăng tỷ lệ mắc bệnh nghề nghiệp. Dân số Việt Nam thuộc loại đông trên thế giới, gây áp lực rất lớn lên môi trường.
Môi trường nông thôn và miền núi: Với hơn 75% dân số sống ở nông thôn miền núi, song tỷ lệ hố xí hợp vệ sinh chỉ chiếm 28-30%. Số hộ được cung cấp nước sạch chỉ đạt khoảng 50% do các hủ tục lạc hậu, cách sống thiếu vệ sinh. Nạn chặt phá rừng làm nương rẫy, ô nhiễm môi trường các làng nghề, lạm dụng hoá chất trong canh tác nông nghiệp cũng góp phần làm suy thoái đất canh tác, ô nhiễm nguồn nước  và suy giảm đa dạng sinh học.
Rừng và độ che phủ thảm thực vật: Độ che phủ rừng tăng nhưng chất lượng rừng chưa được cải thiện, vẫn tiếp tục bị suy giảm. Rừng tự nhiên đầu nguồn và rừng ngập mặn bị tàn phá nghiêm trọng.
Đa dạng sinh học: Việt Nam là một trong mười quốc gia có đa dạng sinh học thuộc dạng cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, đa dạng sinh học nước ta bị suy giảm mạnh do cháy rừng, do chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai, làm thu hẹp nơi cư trú của các giống loài. Nạn khai thác và đánh bắt quá mức, buôn bán trái phép động vật, thực vật quý hiếm vẫn tiếp diễn…
Môi trường biển ven bờ: Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.200km nhưng trong vòng 20 năm qua, diện tích rừng ngập mặn nước ta giảm hơn một nửa. Lũ quét, triều cường, sóng biển dẫn tới sạt lở bờ biển  làm cho các loài sinh vật bị mất nơi cư trú, suy giảm mạnh về chủng loại và số lượng.