Dòng tâm thư nhắn gửi Hội nghị COP 19

ThienNhien.Net – Tôi đã rất xúc động khi đọc bài phát biểu của Trưởng đoàn đàm phán Philippines – ông Yeb Sano tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu lần thứ 19 của Liên Hợp Quốc tổ chức tại Ba lan (COP 19). Bài viết có đoạn: “Nếu không phải chúng ta thì là ai? Nếu không phải bây giờ thì là bao giờ? Nếu không phải ở đây thì ở đâu?”… Chúng ta có thể chấm dứt sự điên rồ ấy. Ngay tại đây…”.

Vâng, điên rồ! Tôi hoàn toàn nhất trí! Chỉ có mỗi sự điên rồ ấy mà Hội nghị Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu cứ lần lữa hứa hẹn mãi.

Nhân đây, tôi xin tiết lộ: từ Hội nghị chống biến đổi khí hậu COP 15 tại Copenhagen (Đan Mạch) năm 2009, tôi – một người dân bình thường – từ trải nghiệm cuộc sống và bằng tâm huyết của mình đã viết một bản kiến nghị gửi đến Hội nghị COP 15 thông qua sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam. Tiếc rằng bản kiến nghị đã bị từ chối gửi đi, sứ quán Đan Mạch cho rằng nội dung bản kiến nghị chưa đủ sức thuyết phục. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhắn gửi ở đây là một người dân bình thường cũng có thể nhận ra sự hệ trọng của biến đổi khí hậu toàn cầu, vậy thì các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách tất yếu phải hiểu được mặt trái của hiện tượng tiêu cực ấy để có thể đưa ra những quyết sách kịp thời nhằm giúp trái đất bớt nóng hơn. Thêm nữa, mặc dù trách nhiệm về chống biến đổi khí hậu của các nhà khoa học, các lãnh đạo quốc gia là rất lớn, song về phía người dân, họ cũng không hề đứng ngoài cuộc bởi họ đã trải nghiệm từ chính cuộc sống thực tế với những thiên tai và ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, vậy thì Hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc phải ghi nhận cả những ý nguyện của họ chứ không đơn thuần dựa vào ý kiến các nhà quản lý, khoa học.

Vấn đề chống biến đổi khí hậu đã được thế giới đưa ra nhiều chục năm nay nhưng rút cục nó vẫn bị trôi tuột qua trước hàng chục cuộc hội nghị Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, để rồi hàng ngày chúng ta tiếp tục chứng kiến những tảng băng ở hai đầu cực dần tan chảy, chứng kiến mực nước biển ngày càng dâng cao nhấn chìm biết bao vùng đất màu mỡ, chứng kiến những trận cuồng phong gia tăng theo chiều hướng phức tạp và khó kiểm soát (như cơn bão Haiyan vừa xảy ra với sức gió giật chưa từng thấy trong lịch sử 380km/giờ, gây bao thiệt hại cho người dân Phillipines và các quốc gia lân cận). Tất cả đều do bàn tay con người gây nên, do chúng ta quá ưu tiên phát triển kinh tế mà quên mất nghĩa vụ duy trì, bảo tồn thiên nhiên. Sự điên rồ của con người chính là ở chỗ ấy!

Nền kinh tế thế giới càng giàu có ra bao nhiêu thì nguồn tài nguyên thiên nhiên càng bị tàn lụi, bòn rút bấy nhiêu. Nào là công nghiệp hóa, cơ khí hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, hiện đại hóa, bê tông hóa, kiên cố hóa, đô thị hóa…, con người đang vẽ ra đủ thứ “hóa” để minh chứng rằng mình đã có công cải tạo lại thiên nhiên như thế nào, để rồi trái đất ngày một nóng và thiên nhiên ngày càng thêm nổi giận.

Có thể nói, sự thông minh cùng với tham vọng không giới hạn của loài người là nguyên nhân chính dẫn tới thảm cảnh biến đổi khí hậu. Chúng ta chỉ nên lấy ở thiên nhiên những gì vừa đủ để sinh tồn. Nếu tiếp tục tàn phá thiên nhiên, con người sẽ còn phải gánh chịu những hậu quả khôn lường!

Lê Văn Thưa