Thông tư mới có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến công tác bảo vệ loài gấu

ThienNhien.Net – Trong thông cáo báo chí vừa công bố, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) lo ngại rằng Thông tư mới đang được dự thảo bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có thể khiến cho tình trạng nuôi nhốt gấu không thể được chấm dứt tại Việt Nam, đi ngược lại những nỗ lực của Bộ, các cơ quan chức năng địa phương cũng như nhiều tổ chức liên quan.

Được biết, Thông tư mới này sẽ thay thế Quyết định 95/2008/QĐ-BNN ban hành tháng 8/2008 và nhằm mục đích tăng cường các nỗ lực của Chính phủ trong việc quản lý gấu nuôi nhốt và xóa sổ nạn nuôi nhốt gấu ở Việt Nam.

Dự thảo của Thông tư mới bao gồm nhiều điểm cải tiến có ảnh hưởng tích cực đến nỗ lực kiểm soát số lượng gấu nuôi trong các trang trại, tuy nhiên lại có điều khoản cho phép chủ trại gấu được phép nhân nuôi sinh sản và giữ các cá thể gấu con được sinh ra trong trang trại (Điểm b khoản 3 Điều 6 và khoản 2 Điều 7). Điều này được các chuyên gia coi là một lỗ hổng pháp lý và sẽ dẫn tới tình trạng tăng số lượng gấu trong các trang trại.

Gấu được nuôi nhốt tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Tam Đảo (Ảnh: ThienNhien.Net)
Những chú gấu được nuôi dưỡng tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Tam Đảo (Ảnh: ThienNhien.Net)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức một hội thảo tư vấn đặc biệt vào ngày 22/3/2013 để tham khảo ý kiến về bản dự thảo Thông tư này. ENV đưa ra mối lo ngại của mình tại Hội thảo với hy vọng sửa đổi và loại bỏ các điều khoản có thể làm ảnh hưởng tiêu cực tới mọi thành quả của nỗ lực xóa sổ nạn nuôi nhốt gấu tại Việt Nam nhiều năm qua.

Theo ông Trần Việt Hưng – Phó Giám đốc của ENV, “nếu các chủ trại gấu được phép đăng ký và giữ các cá thể gấu con được sinh ra trong môi trường nuôi nhốt, chúng ta sẽ không chấm dứt được nạn nuôi nhốt gấu ở Việt Nam, mà chắc chắn sẽ kéo dài ngành công nghiệp phi pháp này. Cho phép các chủ trại được giữ gấu con trong các trang trại nuôi nhốt là mâu thuẫn trực tiếp với cam kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu, đồng thời cũng làm ảnh hưởng tiêu cực đến thành tựu của Bộ trong việc giảm bớt số lượng gấu nuôi những năm qua”.

Năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khởi xướng chương trình gắn chíp cho gấu nuôi nhốt trên toàn quốc. Theo đó, tất cả các cá thể gấu nuôi đã được đăng ký và gắn chíp. Chương trình nhằm ngăn chặn tình trạng các chủ trại gấu đưa thêm gấu mới không đăng ký vào trang trại. Chương trình đầy tham vọng và tốn kém này với kết quả mong đợi là sự “tiêu hao tự nhiên” số lượng gấu trong các trang trại, vì các cá thể gấu già chết đi mà không được thay thế bằng gấu mới.

Bằng chứng cho thấy chiến dịch này, cùng với cam kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xóa bỏ nạn nuôi nhốt gấu ở Việt Nam, đã thành công trong việc làm giảm số lượng các cá thể gấu bị nuôi nhốt từ 4.500 cá thể vào năm 2005 xuống còn khoảng 2.300 cá thể gấu tại các trang trại.

“Sự suy giảm số lượng gấu nuôi nhốt trong các trang trại là một chỉ số quan trọng cho thấy chương trình đã thành công”, ông Hưng cho biết. “Việt Nam đã thế hiện cho thế giới thấy rằng chúng ta đang nỗ lực chấm dứt ngành công nghiệp dã man và phi pháp này, bước thêm một bước trong tiến trình hoàn thành trách nhiệm toàn cầu trong việc bảo vệ loài gấu trong tự nhiên – điểm xuất phát của các cá thể gấu đang bị nuôi nhốt hiện nay, không chỉ riêng tại Việt Nam mà còn tại các quốc gia khác”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành tốt trách nhiệm trong giữ cam kết xóa sổ ngành công nghiệp nuôi nhốt gấu; tuy nhiến, nếu Thông tư mới được phê duyệt với điều khoản liên quan đến gấu con như hiện nay, ENV cho rằng đây sẽ là bước thụt lùi và có thể là nguyên nhân vô tình đẩy các loài gấu của Việt Nam và các nước trong khu vực tới gần hơn với sự tuyệt chủng. “Giờ đây, chúng ta không thể làm ảnh hưởng đến tiến trình hiện tại vốn đang tốt đẹp, mà cần phải tiếp tục tự tin tiến tới với mục tiêu cuối cùng là xóa sổ nạn nuôi nhốt gấu”, ông Hưng phát biểu.