Bình Định lại xẻ đất rừng khai thác titan

ThienNhien.Net – Là địa phương có trữ lượng titan lớn nhất cả nước nhưng Bình Định lại đang trở thành điểm nóng về khai thác titan vô tội vạ. Nguyên nhân chính được nhìn nhận là do sự lơi lỏng trong công tác quản lý, kiểm tra. Nhiều dự án được cấp phép nhưng các chủ đầu tư chủ yếu hướng tới mục đích chiếm đất để khai thác titan, ngược lại không ít dự án được cấp phép khai thác titan nhưng lại không thực hiện hoàn thổ, trồng rừng theo đúng cam kết.

Trong khi những bất cập nêu trên vẫn còn ngổn ngang trăm mối thì mới đây UBND tỉnh Bình Định lại tiếp tục cho phép khai thác titan trên đất rừng phòng hộ. Tại Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 20/1, địa phương đã đồng ý chuyển mục đích sử dụng 7,99 ha đất quy hoạch rừng phòng hộ tại khoảnh 3 tiểu khu 182, xã Mỹ Thành và khoảnh 3 tiểu khu 162, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ sang mục đích không phải lâm nghiệp để Công ty TNHH Mỹ Tài – Bình Định thuê, thực hiện dự án khai thác sa khoáng titan.

(Ảnh minh họa: binhdinh.gov.vn)

Trong khi đó, theo nội dung báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định được báo Pháp luật TPHCM ngày 23/10/2011 đưa tin, tính đến thời điểm cuối tháng 10/2011, trên địa bàn có tới 121 ha đất đã khai thác titan xong nhưng các doanh nghiệp chưa thực hiện hoàn thổ, chiếm già nửa tổng diện tích đã khai thác cần được hoàn thổ. Nhiều doanh nghiệp có giấy phép khai thác titan đã hết hạn cũng phớt lờ cam kết này.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng mới chỉ trồng 115 ha rừng trên diện tích đã khai thác titan, chiếm 12% trong tổng diện tích cấp phép khai thác. Đáng quan ngại là phần lớn diện tích rừng trồng mới đều không đạt yêu cầu, cây trồng không rõ nguồn gốc, không đúng quy cách, phát triển kém, nhiều diện tích rừng trồng bị cát bồi lấp trở lại…

Được biết, mặc dù UBND tỉnh Bình  Định đã ban hành một số văn bản can thiệp nhưng hoạt động khai thác titan trái phép hiện vẫn diễn ra khá rầm rộ ở nhiều nơi, không chỉ riêng đối tượng là các doanh nghiệp mà không ít các nhóm dân cư nhỏ lẻ cũng đổ xô đi khai thác titan về bán lại cho các đầu nậu. Thực trạng này đã đặt ra không ít thách thức cho những cơ quan thực hiện chức năng quản lý, giám sát.