Quản lý tài nguyên nước gắn với phát triển bền vững

ThienNhien.Net – Ngày 4-6, Hội thảo Đối thoại lần thứ 4 về phát triển bền vững của Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) đã khai mạc tại tỉnh Bến Tre. Hội thảo lần này bàn về “Tăng cường phối hợp hành động trong quản lý nước nhằm định hình Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015”.

Chung tay làm sạch nước hồ Vị Xuyên (Nam Định). (Ảnh: Ngô Tất Thành)
Chung tay làm sạch nước hồ Vị Xuyên (Nam Định). (Ảnh: Ngô Tất Thành)

Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến quản lý nguồn nước và coi đây là vấn đề thành bại của mỗi quốc gia; quyết định tương lai của dân tộc. Phó Thủ tướng cũng cho rằng, quản lý tài nguyên nước đang tác động đến vận mệnh chung của toàn khu vực. Những cảnh báo nêu trên đã được thể hiện trong các báo cáo của Liên hợp quốc về phát triển nguồn nước thế giới năm 2015. Báo cáo đã cảnh báo những thách thức trong quản lý nguồn nước bền vững ngày càng trở nên gay gắt, phức tạp hơn trước. “Nếu không tìm ra lời giải cho những thách thức đó, những thành quả phát triển của toàn nhân loại chắc chắn sẽ bị kéo lùi” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cho đến nay, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN, các nước Ủy hội sông Mê Kông (MRC) trong việc quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông cũng như xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015. Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Việt Nam đã ký cam kết mạnh mẽ trong hợp tác quốc tế trong quản lý tài nguyên nước gắn với phát triển bền vững. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đã triển khai “Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020” và “Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020”.

Trên bình diện quốc tế, hiện còn khoảng gần 750 triệu người, chiếm khoảng hơn 1/10 dân số thế giới vẫn chưa được tiếp cận với nước sạch. Ở nhiều nơi trên thế giới, sự suy giảm đáng kể của nhiều lưu vực sông, trong đó có sông Mê Kông và Đa-nuýp ngày càng trở nên gay gắt. Bối cảnh này khiến nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm, vốn chiếm 95% nguồn cung nước sạch toàn cầu, tại các thành phố lớn như Băng Cốc, Viêng Chăn, TP.HCM đang ngày càng trở nên gay gắt hơn.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng lo lắng với tình trạng nước biển dâng, triều cường và xâm mặn gia tăng; nước thải không qua xử lý đổ ra các con sông gây ô nhiễm môi trường; ảnh hưởng nặng nề tới sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân. Nhiều ý kiến cũng nêu ra những hệ lụy tàn khốc của các thảm họa siêu thiên tai với tần suất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng chưa từng có, do biến đổi khí hậu trong những năm gần đây. Sau Đối thoại lần này tại Bến Tre (Việt Nam), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 12 sẽ được tổ chức ở Luxembourg và Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11 tại Ulanbaataar vào năm 2016.