Cần sớm ngăn chặn rùa tai đỏ ở hồ Gươm

ThienNhien.Net – Trong khi các nhà bảo tồn đang nỗ lực tìm mọi biện pháp để nhân giống và bảo tồn loài rùa Hồ Gươm vô cùng quý hiếm (trên thế giới chỉ tìm thấy 4 cá thể) thì rùa Hồ Gươm lại đang đứng trước một mối đe dọa mới từ loài rùa ngoại lai tai đỏ.

Không chỉ cạnh tranh về thức ăn và môi trường sống, hiện nay nhiều nhà nghiên cứu còn đang lo ngại rùa Hồ Gươm có thể bị tấn công bởi loài sinh vật ăn tạp này.

Rùa tai đỏ là loài có phổ thức ăn rất rộng. Chúng có thể ăn bất kể thứ gì có ở nơi chúng sinh sống, từ các loài thực vật như tảo, bèo tấm… cho đến động vật như nòng nọc, cá nhỏ, côn trùng, giáp xác hai chân và các loại thân mềm… vì vậy chúng dễ dàng thích nghi với nhiều môi trường sống. Cùng với tốc độ sinh sản nhanh chóng  (chỉ trong vòng một vài tháng, chúng đã có thể nhân từ một vài con thành một quần thể) và thói quen phóng sinh loài rùa này của người dân Hà Nội, nguy cơ đe dọa đến môi trường sống của rùa Hồ Gươm đang gia tăng.

Theo cảnh báo của PGS.TS sinh học Hà Đình Đức, chỉ dăm bảy chục năm nữa, loài rùa này có thể ăn hết tảo và làm mất màu xanh của Hồ Gươm, cũng như cạnh tranh khốc liệt thức ăn với “cụ” rùa trong bối cảnh mực nước hồ tiếp tục cạn và nguồn thức ăn của các loài động vật sinh sống tại đây bị thu hẹp. Nghiêm trọng hơn, rùa tai đỏ còn có thể gặm nhấm mai do rùa Hồ Gươm vì “cụ” là loài rùa có mai mềm.

Mới đây, ông Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng ban thường trực Hội Bảo tồn Sinh thái TP. Hà Nội đã có đề xuất phương án bắt số rùa tai đỏ ở hồ Gươm dựa vào thói quen và tập tính của chúng. Được biết, bằng phương pháp bẫy rùa này ông Khôi đã bắt được gần như toàn bộ số rùa tai đỏ do chính ông nuôi suốt 13 năm qua.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra chịu trách nhiệm xử lý vấn đề này.