Máu rừng phòng hộ đang âm ỉ chảy

Lực lượng chức năng huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) vừa bắt quả tang 11 đối tượng vào khu vực rừng phòng hộ hồ Quao khai thác gỗ để bán. Theo nhiều người dân, việc này đã diễn ra trong thời gian dài nhưng lực lượng chức năng chỉ mới phát hiện vào ngày 31.12.2023.

PV Báo Lao Động ghi nhận tại hiện trường vụ việc. Ảnh: Phúc Đạt

Chỉ khai thác keo lai bị chết?

Theo số liệu ông Nguyễn Hữu Chung – Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) cung cấp, ngày 31.12.2023 UBND xã chỉ đạo công an, quân sự tuần tra quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn và phát hiện bắt quả tang một nhóm đối tượng có hành vi vào khu vực rừng phòng hộ hồ Quao khai thác cây keo lai bị chết và cây rừng để bán củi.

Nhóm gồm 11 người có hộ khẩu tại địa phương vào tại lô 1 khoảnh 5 tiểu khu 41 thuộc rừng phòng hộ xã Phong Mỹ dùng máy cưa, rựa, cưa hạ một số cây keo lai bị chết và cây rừng để bán củi lấy tiền, số củi được bán cho (trạm cân) Công ty TNHH MTV DVTM Vinh Luyến, đại diện là ông Trần Hữu Phước (thường trú tại thôn Đông Thái xã Phong Mỹ huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế).

Nội dung cụ thể: Bắt giữ 11 người cùng 1 xe công nông đưa về trụ sở UBND xã lấy lời khai và đo đếm khối lượng gỗ, củi như sau: Gỗ 95 lóng, trong đó gỗ keo là 83 lóng khối lượng 1,75m3; gỗ tự nhiên là 12 lóng khối lượng 0,14m3 và 3,02 Ster củi.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Lao Động thì sự thật không chỉ là thế. Ông Cờ (tên nhân vật đã được thay đổi) – một người dân cho biết, số liệu báo cáo trên chưa phản ánh đúng thực trạng việc rừng phòng hộ hồ Quao bị xâm hại.

“Việc cưa trộm rừng phòng hộ mang đi bán đã xảy ra âm ỉ nhiều năm nay rồi. Rầm rộ khoảng 1 tháng trở lại đây, nhưng không hiểu sao đến giờ mới được phát hiện” – ông Cờ nói.

PV Báo Lao Động ghi nhận tại hiện trường vụ việc. Ảnh: Phúc Đạt

Sẽ mở rộng điều tra

Sau khi đi xe máy men theo đường mòn, anh Vê (tên nhân vật đã được thay đổi) – người nhận lời dẫn phóng viên đến khu vực rừng phòng hộ bị các đối tượng xấu cưa mang đi bán – tắt máy, nói nhỏ: Xe máy chỉ đến được ngang đây thôi, còn lại phải cuốc bộ.

Qua 3 lần nghỉ chân, đi bộ qua 3 quả đồi, anh Vê ngoái lại nói với tôi “Cố lên, qua quả đồi này nữa là tới”.

Cùng một quả đồi, một bên là rừng của người dân đã được khai thác sạch, một bên là rừng phòng hộ. Anh Vê cho biết, nhóm người xấu lợi dụng những hộ dân khai thác keo tràm trà trộn vào khu vực rừng phòng hộ cưa cây đem đi bán.

Men theo con đường đất đỏ bị cày nát bởi máy cày chở gỗ, hai bên đường (khu vực rừng phòng hộ), phóng viên bắt gặp nhiều gốc cây tràm lớn bị đốn hạ. Theo lối mòn mà những người phá rừng để lại, sâu vào bên trong, phóng viên bắt gặp rất nhiều gốc tràm lớn bị cưa hạ, có nhiều gốc đã cũ, chứng tỏ đã bị khai thác từ lâu; có gốc còn chảy nhựa mới, các cành lá còn xanh.

Anh V chỉ vào đống tràm bị cưa chưa kịp tiêu thụ nói: “Tràm này lâu năm nên gỗ nặng, giá cao, có ngày tôi thấy nhóm người này khai thác được 3, 4 xe gỗ, theo giá hiện tại thì mỗi người một ngày thu nhập một vài triệu là bình thường, tiền nhiều nên liều, bất chấp. Không thể vì cái lợi trước mắt mà phá rừng phòng hộ như thế này, bảo sao không bị lũ quét, sạt lở”.

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, một điều khó hiểu là việc phá rừng phòng hộ này đã diễn ra trong thời gian dài, gỗ khai thác trộm về bán cho trạm thu mua chỉ cách trụ sở UBND xã khoảng 1km nhưng đến giờ chính quyền mới phát hiện, xử lý; số liệu báo cáo cũng chưa sát với thực tế rừng bị phá(?!)

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Ngọc Tuấn – Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đã nhận được báo cáo của hạt kiểm lâm huyện, hiện đơn vị phối hợp với các bên liên quan lấy lời khai và lập hồ sơ xử lý, nếu đi kiểm tra mà thấy nghiêm trọng sẽ tiến hành điều tra mở rộng.