Tốc độ tuyệt chủng đáng báo động của các loài thực vật

Kể từ năm 1900, gần 3 loài thực vật có hạt biến mất mỗi năm – nhanh hơn 500 lần so với tốc độ tuyệt chủng tự nhiên.

Theo một cuộc khảo sát lớn nhất từng có về sự tuyệt chủng của thực vật, các thực vật có hạt trên thế giới đã biến mất với tốc độ gần 3 loài mỗi năm kể từ năm 1900 – cao gấp 500 lần so với tốc độ tuyệt chủng do các tác động tự nhiên.

Thực vật có hạt bao gồm thực vật hạt trần và thực vật hạt kín. Các cây có hạt là một nhóm đã rất thành công trong lịch sử của sự sống, do hạt giống là một công cụ phân tán sự sống vượt trội so với bào tử trần, vì nó bao gồm sẵn một nguồn dự trữ thức ăn và một lớp bảo vệ.

Hawaii (ảnh) có mất nhiều loài thực vật mang hạt hơn bất cứ nơi nào trên thế giới kể từ năm 1900.

Dự án đã xem xét hơn 330.000 loài và thấy rằng thực vật trên các đảo và vùng nhiệt đới là các loài có nhiều khả năng bị tuyên bố tuyệt chủng nhất. Cây, cây bụi và cây lâu năm thân gỗ khác có xác suất biến mất cao nhất bất kể chúng nằm ở đâu. Kết quả được công bố vào ngày 10 tháng 6 trên tạp chí Nature Ecology & Evolution.

Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng cứng giúp ích cho các nỗ lực bảo tồn, theo Stuart Pimm, nhà khoa học bảo tồn tại Đại học Duke ở Durham, Bắc Carolina. Cuộc khảo sát này bao gồm nhiều loài thực vật hơn bất kỳ nghiên cứu nào khác, ông nói. “Kết quả của nghiên cứu này rất quan trọng”.

Biên soạn cẩn thận

Công trình bắt nguồn từ một cơ sở dữ liệu được biên soạn bởi nhà thực vật học Rafaël Govaerts tại Vườn thực vật hoàng gia Kew, London. Govaerts bắt đầu cơ sở dữ liệu vào năm 1988 để theo dõi tình trạng của mọi loài thực vật đã được biết đến. Trong một phần của dự án, ông đã khai thác tài liệu khoa học và tạo ra một danh sách các loài thực vật có hạt đã bị tuyệt chủng, và lưu ý loài nào được các nhà khoa học coi là tuyệt chủng nhưng sau đó được phát hiện lại.

Vào năm 2015, Govaerts đã hợp tác với nhà sinh vật học tiến hóa Aelys Humphreys tại Đại học Stockholm ở Thụy Điển và những người khác để phân tích lượng dữ liệu này. Họ so sánh tỷ lệ tuyệt chủng giữa các khu vực và đặc điểm thực vật khác nhau (chẳng hạn như cây tái sinh từ hạt giống mỗi năm hay cây lâu năm tồn tại nhiều năm liền).

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khoảng 1.234 loài đã được báo cáo đã tuyệt chủng kể từ khi tổng hợp các loài thực vật của Carl Linnaeus, Species Plantarum, được xuất bản (năm 1753). Nhưng hơn một nửa trong số đó đã được tái phát hiện hoặc phân loại lại vào một loài đang sống khác, có nghĩa là còn 571 loài được cho là tuyệt chủng.

Species Plantarum (tiếng Latin nghĩa là “Các loài của thực vật”) là một cuốn sách của Carl Linnaeus, xuất bản lần đầu năm 1753, liệt kê tất cả các loài thực vật được biết đến vào thời điểm đó, được phân loại thành các chi. Đây là công trình đầu tiên áp dụng nhất quán danh pháp hai phần và là điểm khởi đầu cho việc đặt tên thực vật.

Một bản đồ về sự tuyệt chủng thực vật do nhóm nghiên cứu tạo ra cho thấy hệ thực vật ở các khu vực có đa dạng sinh học cao và quần thể người đang phát triển, như Madagascar, rừng mưa nhiệt đới Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. Humphreys nói rằng tốc độ tuyệt chủng ở vùng nhiệt đới vượt quá những gì các nhà nghiên cứu mong đợi. Các đảo là nơi đặc biệt “nhạy cảm” bởi vì thường chứa các loài không có ở nơi khác trên thế giới và đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi thay đổi môi trường, Humphreys nói.

Quy mô lớn của sự hủy diệt

Mặc dù các nhà nghiên cứu đã xem xét cẩn thận cơ sở dữ liệu tuyệt chủng thực vật, số liệu từ các nghiên cứu tỏ ra không tương xứng với mức độ nghiêm trọng của vấn đề, Jurriaan de Vos, nhà sinh học tại Đại học Basel ở Thụy Sĩ cho biết. Một số loài thực vật đã bị tuyệt chủng về mặt chức năng, ông lưu ý, và chỉ hiện diện trong các vườn thực vật hoặc với số lượng rất nhỏ trong tự nhiên và không có nhiều khả năng sẽ sống sót.

“Kể cả khi số cây của một loài giảm xuống chỉ còn 1 cây thì loài đó vẫn chưa tuyệt chủng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mọi chuyện vẫn ổn”, Vos nói.

Rất ít nhà nghiên cứu có tiền hoặc thời gian để khởi động một nỗ lực tìm kiếm toàn diện để tìm ra một loài thực vật mà họ nghĩ có thể đã tuyệt chủng. Môi trường có thể thay đổi rất nhiều trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, do đó rất khó để biết liệu một loài đã thực sự biến mất nếu không có sự theo dõi sâu rộng, de Vos nói.

Vos nhớ lại cuộc săn lùng của mình qua Cameroon, một quốc gia Trung Phi, để thu thập các loài hoa thu hải đường màu vàng để giải trình tự DNA. De Vos đã đến thăm một số địa điểm nơi các hồ sơ chỉ ra rằng các nhà nghiên cứu khác đã thu thập loại cây này trong nhiều thập kỷ qua, nhưng đôi khi nơi anh đến cảnh quan đã thay đổi hoàn toàn.

“Quy mô hủy diệt hoặc thay đổi sử dụng đất là rất lớn trong 50 hoặc 80 hoặc 100 năm qua”, Vos nói.