Thế giới mất phần rừng nhiệt đới tương đương với diện tích Đan Mạch

Theo các báo cáo, 6,6 triệu ha rừng đã bị tàn phá trong năm 2022, trong đó 4,1 triệu ha là rừng nhiệt đới nguyên sinh, đồng nghĩa với việc 96% số vụ phá rừng diễn ra ở vùng nhiệt đới.

Tổ chức Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cảnh báo thế giới đang “không đạt được các tiến bộ hướng tới mục tiêu toàn cầu về rừng,” đồng thời đề xuất các kế hoạch hành động ngăn chặn nạn chặt phá rừng trong tương lai.

Trong hai ngày 23-24/10, WWF đã lần lượt công bố báo cáo “Đánh giá về rừng,” trong đó thông báo tốc độ mất rừng trên thế giới trong năm 2022, và báo cáo “Lộ trình bảo vệ rừng 2023” bao gồm kế hoạch bảo vệ rừng đến năm 2030.

Khoảng rừng Amazon bị chặt phá. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các báo cáo trên cảnh báo thế giới đang đi chệch hướng khỏi mục tiêu bảo vệ và khôi phục rừng vào năm 2030.

Theo các báo cáo, 6,6 triệu ha rừng đã bị tàn phá trong năm 2022, trong đó 4,1 triệu ha là rừng nhiệt đới nguyên sinh, đồng nghĩa với việc 96% số vụ phá rừng diễn ra ở vùng nhiệt đới.

Khu vực khí hậu nhiệt đới của châu Á là nơi duy nhất có hy vọng đạt mục tiêu không phá rừng.

Trưởng bộ phận rừng toàn cầu của WWF, bà Fran Price cảnh báo việc không đạt các mục tiêu toàn cầu về rừng sẽ gây ra tác động nghiêm trọng, đặc biệt khi nạn phá rừng tiếp diễn ở mức đáng báo động, bất chấp những cam kết của chính phủ và doanh nghiệp.

Bà Price nhấn mạnh rừng là nhân tố quan trọng nếu muốn đạt được các mục tiêu toàn cầu như Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu năm 2015, Khung đa dạng Sinh học Toàn cầu và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).

Nếu tiếp diễn, tình trạng phá rừng sẽ làm mất đi sự ổn định của khí hậu, vòng tuần hoàn của nước, kinh tế nông nghiệp khu vực và thế giới, an ninh lương thực, sinh kế và xã hội con người.

Khoảng rừng bị chặt phá để trồng dầu cọ tại tỉnh Trung Kalimantan trên đảo Borneo, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bà Price hối thúc các bên thay đổi nhằm đảm bảo tương lai tốt hơn cho hành tinh và các thế hệ sau này.

Quan chức trên nhấn mạnh thế giới đã mất một phần rừng nhiệt đới tương đương với diện tích Đan Mạch.

Nạn phá rừng và suy thoái trên diện rộng ở 3 lưu vực rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới là Amazon, ở Congo và Đông Nam Á có thể gây ra thảm họa khí hậu toàn cầu.

WWF cho biết thêm nếu không hành động khẩn cấp, rừng đang bắt đầu trở thành nguồn phát thải CO2, thay vì hấp thụ khí thải, dưới áp lực của hiện tượng thời tiết cực đoan và điều kiện khí hậu nóng và khô hơn.

WWF ước tính mỗi năm rừng chỉ nhận được 2,2 tỷ USD đầu tư, chăm sóc từ các quỹ đầu tư công.

Trong khi đó, nguồn tài trợ của các chính phủ dành cho các dự án có hại cho môi trường cao hơn ít nhất 100 lần so với các khoản đầu tư vào rừng trên thế giới.

Cần nâng cao giá trị của rừng đối với con người, thiên nhiên và khí hậu. Đặc biệt cần chia sẻ nguồn tài chính công bằng cho các quốc gia có rừng để bảo vệ các cánh rừng hiện nay.

Theo bà Price, cần huy động nguồn tài chính từ khu vực công và tư nhân, tái chuyển đổi các kênh đầu tư có hại sang hỗ trợ nền kinh tế và thương mại rừng xanh và bền vững.

Bên cạnh việc kêu gọi đáp ứng các cam kết tài chính, báo cáo “Lộ trình về rừng 2023” còn đặt ra kế hoạch bảo vệ rừng đến năm 2023, bao gồm chấm dứt các khoản đầu tư và trợ cấp có hại cho rừng, cải cách những quy tắc thương mại toàn cầu khiến rừng bị ảnh hưởng, xóa bỏ rào cản đối với hàng hóa thân thiện với rừng, công nhận quyền đất đai của người bản địa.

Kế hoạch này cần sự vào cuộc của chính phủ, khối doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức xã hội, hướng tới ngăn chặn nạn chặt phá rừng, bảo vệ, quản lý bền vững và phục hồi rừng nhằm hướng tới các mục tiêu về rừng.