Khai thác khoáng sản: Vẫn buông lợi ích của dân

ThienNhien.Net – Phần lớn khai thác khoáng sản hiện nay tại Việt Nam không chỉ tác động xấu tới môi trường mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, tước đi sinh kế bền vững của người dân khu vực có khoáng sản. Thế nhưng, quyền lợi của người dân lại chưa được quan tâm thỏa đáng.

Quyền lợi của người dân vùng khai thác khoáng sản chưa được quan tâm thỏa đáng.
Quyền lợi của người dân vùng khai thác khoáng sản chưa được quan tâm thỏa đáng.

Minh Sơn là một xã vùng 3 khó khăn của huyện Bắc Mê cũng như của tỉnh Hà Giang. Hiện nay, trên địa bàn xã có 5 công ty là An Thông, Minh Sơn, An Khang, Hoàng Bách và Trường Thanh được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản tại 8 điểm mỏ, với tổng diện tích 465,36 ha.

Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Minh Sơn được đánh giá là có đóng góp một phần đáng kể cho nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần tạo ra việc làm và thu nhập cho gần 100 lao động địa phương. Tuy nhiên, những hệ lụy của hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang tác động xấu đến môi trường sống của cộng đồng người dân địa phương.

Bằng việc tiến hành khảo sát nghiên cứu thực địa, kết hợp phỏng vấn người dân địa phương, cán bộ đại diện cho các phòng, ban chuyên môn của xã Minh Sơn, của huyện Bắc Mê và của đại diện các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản tại xã đã cho thấy một “lợi bất cập hại” cho khai thác khoáng sản tại Minh Sơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, để có điều kiện cho 5 doanh nghiệp khai khoáng này hoạt động thì đã có 465 ha rừng bị “quy hoạch”.

Hoạt động khai khoáng trong thời gian này tại Minh Sơn đã làm hơn 30,3 ha đất rừng phòng hộ bị mất đi do phải chuyển đổi mục đích sử dụng sang khai thác khoáng sản. Trữ lượng rừng bị mất đi do phải chặt hạ cho khai trường tại mỏ sắt Sàng Thần gần 10 ha, tương đương 1.751m3 gỗ nhóm II đến nhóm VIII, là các loại gỗ như đinh, nghiến, trai, sồi, sến, dẻ, kháo, mỡ, trám… biến mất.

Việc chặt hạ cây rừng đầu nguồn, cùng với việc sử dụng một lượng nước quá lớn từ nguồn nước suối Lũng Vầy (hơn 1.300m3/ngày đêm theo Báo cáo ĐTM của công ty An Thông và Minh Sơn) cho việc tuyển quặng đã làm suy giảm, cạn kiệt đáng kể nguồn nước sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng dân cư tại 5 thôn: Lũng Vầy, Khuổi Kẹn, Nà Sáng, Bình Ba và Ngọc Trì. Vào mùa khô, người dân ở một số thôn/bản đã phải đi gánh nước từ những nơi khác về để sử dụng cho sinh hoạt.

Thực tế tại các tỉnh như Bắc Cạn, Tuyên Quang… là những địa phương nổi tiếng giàu tài nguyên khoáng sản. Những tưởng đó sẽ là lợi thế lớn để người dân nơi đây có thể đổi đời, hết cảnh nghèo khó. Song, lợi thế ấy lại trở thành yếu thế của những người dân tại các địa phương này. Bởi, các DN đua nhau khai thác khoáng sản theo kiểu tận diệt và không hề tạo được công ăn việc làm bền vững cho người dân địa phương. Người dân ở đây “nghèo vẫn hoàn nghèo” trong khi môi trường sống, môi trường xã hội lại bị tàn phá nặng nề.

Cũng theo phân tích của chuyên gia khoáng sản, đến nay việc thực hiện chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân địa phương mới dừng lại ở việc hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ các quỹ phúc lợi của địa phương; sử dụng lao động địa phương… mà chưa thông qua “Phương án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nơi có khoáng sản được khai thác”. Việc thực hiện các quy định trên hiện nay đều phụ thuộc vào sự tự giác và “lòng hảo tâm” của doanh nghiệp.