Các địa phương đều gặp khó trong quản lý gây nuôi động vật hoang dã

Hiện nay việc giám sát gây nuôi động vật hoang dã ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do công tác quản lý đã lạc hậu.

Chậm cả việc cập nhật số liệu

Tại Quảng Nam hiện có 133 cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã và 81 cơ sở nuôi nhốt động vật quý hiếm với tổng số 2.432 cá thể.

Tuy nhiên công tác giám sát quản lý các cơ sở nuôi nhốt động vật quý hiếm này gặp khá nhiều khó khăn do sự lạc hậu, thủ công về cách thức ghi chép, quản lý của cả người chăn nuôi và cán bộ kiểm lâm.

Gặp khó trong công tác quản lý động vật hoang dã. Ảnh: Phước Phú

Tại lớp tập huấn về quản lý nuôi động vật hoang dã và phòng chống các bệnh truyền lây giữa động vật và người do Cơ quan thẩm quyền Quản lý CITES Việt Nam – Cục Kiểm Lâm, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) được sự tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức ở Đà Nẵng sáng 15.9, ông Hà Phước Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết, rất khó để kiểm soát, cập nhật tình hình các cơ sở nuôi nhốt các loài động vật hoang dã, động vật quý hiếm.

Hiện hầu hết các cơ sở đều thực hiện quản lý bằng thủ công, ghi chép bằng sổ sách vì vậy rất dễ phát sinh sai sót.

“Việc quản lý bằng các phương pháp thủ công như ghi chép, báo cáo bằng đơn từ rất dễ gây nhầm lẫn và sai sót. Đã có những trường hợp con số trong sổ sách và con số thực tế tại các cơ sở trên địa bàn không khớp với nhau”, ông Hà Phước Phú cho biết.

Theo các chuyên gia an toàn sinh học, khi cần báo cáo số lượng động vật hoang dã được gây nuôi thì phải dùng số liệu ở năm trước vì không thể cập nhập kịp thời và phải mất một năm mới có thể báo cáo đầy đủ số lượng cá thể.

Trại nuôi Cầy vòi hương của cơ sở ông Huỳnh Viên Mãn tại xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Phước Phú

Áp dụng chuyển đổi số vào quản lý gây nuôi động vật hoang dã

Từ năm 2020 đến nay, Cục Kiểm Lâm phối hợp với Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) với sự hỗ trợ từ Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã xây dựng và tập huấn sử dụng phần mềm quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã cho cán bộ của Chi cục Kiểm lâm trên cả nước.

Trong đó phần mềm quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã được xem là công cụ giúp các cơ quan kiểm lâm quản lý hiệu quả cơ sở nuôi động vật hoang dã.

Phần mềm này cung cấp các báo cáo tổng hợp, theo dõi biến động, sinh sản của cơ sở, hỗ trợ các tính năng nâng cao như bản đồ vị trí cơ sở nuôi, kiểm tra nguồn gốc lâm sản, cấp mã số cơ sở nuôi…

Theo ông Nhữ Văn Thụ, Chuyên gia an toàn sinh học, việc đưa phần mềm quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã vào công tác quản lý, giám sát sẽ giúp giảm tải công việc cho các cán bộ kiểm lâm, nâng cao sự chính xác trong công tác quản lý.

Thay vì phải ghi chép, lưu trữ thì bây giờ người chăn nuôi có thể cập nhật liên tục về số lượng, các loài nuôi, lập bảng kê lâm sản. Thông qua đó các cấp cũng có thể dễ dàng nắm được tình hình gây nuôi của các hộ dân.

“Từ nay đến cuối năm 2023, phần mềm quản lý cơ sở gây nuôi động vật hoang dã sẽ được bàn giao cho Cục Kiểm lâm và Chi cục kiểm lâm các tỉnh nhằm hỗ trợ quản lý chặt chẽ hơn các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã bằng công nghệ”, ông Nhữ Văn Thụ nói.