Lào Cai: Thả về rừng tự nhiên Sa Pa 49 cá thể chim, thú rừng quý hoang dã sau cứu hộ

Vườn quốc gia Hoàng Liên vừa cùng cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai vừa tổ chức tái thả vào rừng tự nhiên Sa Pa 49 cá thể động vật hoang dã sau cứu hộ lần 2 năm 2023.

Lần tái thả này có 11 loài với 49 cá thể động vật hoang dã, bao gồm: 19 cá thể đực và 30 cá thể cái; các loài được tái thả là: Rùa sa nhân, mèo rừng, don, cu li nhỏ, cu li lớn, rùa đầu to, gà rừng, trăn đất, cầy vòi mốc, chim khiếu bạc má, rắn hổ mang 1 mắt kính.

Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên và các đơn vị phối hợp đưa 49 động vật hoang dã sau khi cứu hộ có sức khỏe tốt đến nơi tái thả vào rừng tự nhiên Sa Pa.(Ảnh: Vườn quốc gia Hoàng Liên cung cấp).

Trước khi được tái thả 49 động vật gồm chim hoang dã và thú hoang dã về môi trường rừng tự nhiên ở vùng cao Sa Pa, các loài động vật đều được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên trực thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Theo cán bộ kỹ thuật Vườn quốc gia Hoàng Liên, 49 cá thể động vật trên đều đảm bảo khỏe mạnh, không có bệnh truyền nhiễm, không bị thương tật vĩnh viễn, thích nghi và tự kiếm ăn được sau khi tái thả, có khả năng tự vệ và lẩn trốn kẻ thù tốt, có khả năng sinh sản, ghép đàn và không gây xung đột đồng loại hoặc làm mất cân bằng khu vực được tái thả.

Số lượng động vật hoang dã tái thả đợt này đa phần do các cơ quan chức năng tịch thu, bắt giữ trong quá trình buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt trái pháp luật và một phần do người dân tự nguyện giao nộp, hiến tặng cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên chăm sóc, cứu hộ theo quy định.

Khu vực tái thả thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên có điều kiện tự nhiên phù hợp với tập tính của loài, đảm bảo tồn tại lâu dài sau tái thả, có nguồn nước, nguồn thức ăn dồi dào, có nơi lẩn tránh kẻ thù, xa dân cư và các vùng canh tác nông nghiệp nên công tác tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ về môi trường tự nhiên tại đây sẽ đạt kết quả tốt.

Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ động vật hoang dã; đồng thời, khôi phục đa dạng sinh học trong môi trường tự nhiên, nhằm bảo tồn nguồn gen, đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Hoàng Liên và khu vực lân cận phát triển bền vững.

Từ khi thành lập năm 2014 tới nay Trung tâm đã tiếp nhận 174 vụ với 547 cá thể,tiến hành tái thả 14 vụ với 271 cá thể.

Tổng số động vật tính đến ngày 20/7/2023 là 161 cá thể thuộc 36 loài (27/36 loài chiếm 75,0% tổng số loài và 133/161 cá thể chiếm 82,61% tổng số cá thể, theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ.