Biến đổi khí hậu khiến mưa giông trở nên thường xuyên hơn

Hãng tin AP dẫn lời giới chuyên gia báo động mưa giông ở khu vực Himalaya đang gia tăng.

Cuối tuần trước, nông dân Mohammed Aslam đang làm việc trong vườn thì nghe thấy dân làng cảnh báo nước đổ xuống từ chân đồi ở khu vực phía nam thị trấn Kulgam (vùng Kashmir) gần đó. Chỉ trong chốc lát, bùn đất bị dòng nước cuốn đi tràn qua làng làm hư hại nhiều ngôi nhà.

“Thật bất ngờ và nhanh chóng”, ông Aslam nhớ lại.

Đây là lũ quét xảy ra sau cơn mưa giông, cuốn trôi hết gia súc và vùi lấp các ngôi nhà trong bùn.

Một ngày trước đó, vùng Ladakh lân cận cũng hứng chịu mưa giông gây lũ quét khiến thị trấn Leh ngập lụt. Nước lũ tràn vào khu chợ chính làm hư hại hàng loạt cửa hàng, cuốn trôi các phương tiện rồi để lại những con đường lầy lội.

Người dân Kashmir dọn dẹp sau khi hứng chịu mưa giông – Ảnh: AP

Mưa giông là hiện tượng phổ biến ở khu vực Himalaya, nhưng giới chuyên gia vô cùng lo ngại trước sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Cơn mưa xảy ra trong vòng 1 giờ đồng hồ với lượng nước hơn 10cm, bao quát khu vực 10km2 được gọi là mưa giông. Chúng có sức tàn phá lớn, gây nên lũ lụt cùng lở đất ảnh hưởng hàng nghìn người ở miền núi.

Năm 2022, mưa giông gây lũ quét ngay lúc cuộc hành hương thường niên của người theo đạo Hindu đến một hang động trên dãy Himalaya đang diễn ra. Ít nhất 16 người thiệt mạng.

Năm 2010, thị trấn Leh cùng hàng chục ngôi làng trên địa bàn Ladakh hứng chịu trận lũ tồi tệ nhất lịch sử. Nhà cửa cùng ruộng đồng bị tàn phá, hơn 250 người thiệt mạng.

Giới chuyên gia nhận định tần suất mưa giông tăng lên trong vài năm gần đây một phần do biến đổi khí hậu. Thiệt hại do mưa giông gây ra cũng nghiêm trọng hơn vì phát triển thiếu quy hoạch ở miền núi.

Nhà khí tượng học Anand Sharma từng làm việc cho Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) mô tả mưa giông giống một cái xô khổng lồ chứa đầy nước bị đổ ra. Sinh ra tại khu vực Himalaya, ông đã dành nhiều thời gian trong sự nghiệp 30 năm của mình quan sát hiện tượng này.

Theo nhà khí tượng học Sharma, mưa giông xảy ra khi mây vũ tích tự “làm rỗng” mình do không khí lạnh đẩy nước xuống.

“Thông thường luồng không khí di chuyển lên xuống đều đặn. Nhưng trong một số điều kiện nhất định, đặc biệt là khi mây vũ tích phát triển theo phương dọc – đôi khi dài đến 16km, không khí lạnh đi vào đám mây và chỉ di chuyển xuống”, ông giải thích.

Mukhtar Ahmed, quan chức IMD văn phòng Kashmir cho biết, tình trạng nóng lên toàn cầu đang làm tăng tần suất mưa giông. “Chúng ta chứng kiến lũ quét, mưa giông, nhiệt độ cao bất thường ngày càng thường xuyên hơn”, ông nói.

Nhà khí tượng học Sharma nói rõ hơn: “Tình trạng nóng lên toàn cầu đẩy mạnh quá trình bốc hơi nước hình thành mây vũ tích, đem đến lượng mưa lớn. Trong khi một số khu vực hứng chịu mưa lớn, vài khu vực khác lại khô hạn”.

Giới chuyên gia kiến nghị tránh phá rừng và phát triển thiếu quy hoạch những vùng dễ bị hiện tượng biến đổi khí hậu tổn thương. Theo nhà khí tượng học Mahesh Palawat (đơn vị dự báo thời tiết tư nhân Skymet Weather): “Khả năng lở đất tăng lên khi phá rừng quá mức. Khi đã biết đường đi của lũ thì tốt nhất cần tránh xây dựng bất kỳ công trình nào ở khu vực chịu ảnh hưởng. Người sống ở chân đồi hoặc sườn núi phải được sơ tán lên chỗ cao hơn lúc mưa lớn sắp đến”.