Tạo xung lực cho các mục tiêu chống biến đổi khí hậu

Giới chức Liên hợp quốc cũng như các chuyên gia quốc tế về khí hậu cảnh báo rằng, hành tinh xanh của chúng ta đang trong hành trình đếm ngược đến thảm họa khí hậu và nếu không có biện pháp quyết liệt để thực hiện các cam kết toàn cầu về chống biến đổi khí hậu để nhiệt độ bề mặt trái đất không vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

trái đất ngày càng nóng lên khiến các hiện tượng thời thiết ngày càng cực đoan hơn như nắng nóng, hạn hán hay mưa bão bất thường

Thời tiết toàn cầu ngày càng cực đoan

Khoảng 5.000 đại biểu đến từ gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới mới đây đã tham dự Hội nghị tham vấn thường niên của Liên hợp quốc về khí hậu được tổ chức ở thành phố Bonn thuộc miền Tây nước Đức nhằm thảo luận về các chính sách khí hậu, cũng như đánh giá lại tiến bộ của các quốc gia trong việc thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Hội nghị này cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), dự kiến vào tháng 11, 12 tới tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Nội dung chính của các cuộc đàm phán khí hậu của Liên hợp quốc tại thành phố Bonn năm nay là những chủ đề liên quan tới việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch – tác nhân chính gây ra tình trạng trái đất nóng lên. Theo Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed kiêm Chủ tịch Ủy ban cấp cao chịu trách nhiệm giám sát công tác chuẩn bị cho COP28, UAE quyết tâm để hội nghị có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và chuyển các sáng kiến nhằm giải quyết những vấn đề này từ giai đoạn đưa ra các cam kết sang khâu thực hiện bằng các hành động cụ thể. Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì môi trường đã phải thất vọng khi hội nghị kéo dài hơn 10 ngày nhưng chỉ đạt một số tiến bộ nhỏ trong các vấn đề lớn liên quan biến đổi khí hậu. Cuộc đàm phán song phương về biến đổi khí hậu giữa Trung Quốc và Mỹ, hai quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới, vẫn chưa được nối lại sau thời gian dài bị đình trệ.

Vì thế, Quỹ Thiên nhiên thế giới (WFN) cảnh báo, các cuộc đàm phán khí hậu ở Bonn mới đây đã “thiếu xung lực một cách đáng lo ngại” khi mà chỉ đạt tiến bộ nhỏ trong những vấn đề chủ chốt như nhiên liệu hóa thạch và tài chính trước thềm Hội nghị COP28 ở Thủ đô Dubai của UAE vào cuối năm. Cố vấn khí hậu cấp cao của tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) tại Bắc Kinh, ông Li Shuo bày tỏ “rất thất vọng” về kết quả hội nghị ở Bonn, song cũng hy vọng “thực tế khắc nghiệt sẽ giúp các quốc gia và cộng đồng quốc tế thay đổi hành vi của mọi người và thay đổi chính sách”.

Điều đáng nói là kết quả đáng thất vọng của hội nghị tại Bonn diễn ra khi nhiều nơi trên thế giới đang phải trải qua đợt nắng nóng kỷ lục. Trong lúc nhà đám phán các nước về khí hậu ngồi quanh bàn đàm phán tại Hội nghị Bonn, nhiệt độ không khí trung bình ở bề mặt trái đất đã tăng hơn 1,5 độ C. Mức tăng nhiệt độ trái đất từng vượt ngưỡng 1,5 độ C nhưng là ở Bắc bán cầu vào mùa đông và mùa xuân và đây là lần đầu hiện tượng này được ghi nhận vào mùa hè ở Bắc bán cầu, từ ngày 1-6 vừa qua. Trước đó, vào năm 2022, hàng loạt quốc gia châu Âu như Pháp, Đức, Italia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh đều đã phải hứng chịu mùa hè nắng nóng kỷ lục.

Các nhà nghiên cứu thuộc Chương trình quan sát biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, lần đầu tiên trong tháng 6 đã ghi nhận nhiệt độ bề mặt toàn cầu tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là mức giới hạn đã được các chuyên gia khí hậu và các chính phủ đề ra theo thỏa thuận trong Hiệp định khí hậu Paris nhằm ngăn chặn những tác động không thể đảo ngược đối với môi trường toàn cầu. Từ đầu mùa hè tới nay, nhiều nơi ở châu Á đã phải trải qua những đợt nắng nóng khủng khiếp. Thời tiết nắng nóng cực đoan khiến các chuyên gia quốc tế mới đây đã cảnh báo về tình trạng sóng nhiệt ghi nhận ở nhiều nơi tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương như: Ấn Độ, Bangladesh, Lào, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam… Một số nơi ở châu Á ghi nhận nhiệt độ “phá vỡ kỷ lục mọi thời đại” hay “xô đổ mọi kỷ lục nắng nóng”.

Hành động quyết liệt trước khi quá muộn

Việc nhiệt độ bề mặt trái đất đã có 11 ngày trong tháng 6 vừa qua vượt quá ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào mùa hè đã một lần nữa cảnh báo về tình trạng nóng lên của khí hậu trái đất. Các chuyên gia khí hậu cho rằng, nhiệt độ năm 2024 sẽ còn cao hơn năm nay khi El Nino bước vào giai đoạn phát triển mạnh và nhiệt độ toàn cầu càng cao thì càng gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan và nghiêm trọng hơn. Theo dự báo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), có tới 98% xác suất năm nóng nhất sẽ rơi vào giai đoạn từ năm 2023-2027 và trái đất có thể ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ trung bình trong quãng thời gian này. Việc nhiệt độ toàn cầu lên mức cao chưa từng có sẽ gây ra những tác động sâu rộng đối với sức khỏe, an ninh lương thực và quản lý nguồn nước, môi trường của con người. Các chuyên gia khí hậu cho biết mức độ thường xuyên và kéo dài của các hiện tượng khí hậu cực đoan đang ngày càng gia tăng khắp nơi trên thế giới. Năm nay cũng đang chứng kiến các trận nắng nóng, hạn hán trên khắp thế giới, mặt khác lại có những trận bão rất hiếm thấy và gây nhiều thiệt hại hại về tài sản và sinh mạng ở châu Phi.

Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền (OHCHR) Volker Turk trong phát biểu tại phiên họp thứ 53 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào ngày 3-7 cảnh báo, biến đổi khí hậu là mối hiểm họa đối với nhân loại, có thể khiến tương lai con người chìm trong nghèo đói và đối mặt loạt hệ lụy nghiêm trọng khác. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang quét sạch mùa màng, gây tổn thất cho ngành chăn nuôi và hệ sinh thái, khiến các cộng đồng gặp khó khăn trong việc tái thiết và tự túc trong cuộc sống của họ. Số liệu thống kê chính thức cho thấy, hơn 828 triệu người trên thế giới phải chịu đựng nạn đói trong năm 2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, số người lâm vào cảnh nghèo đói trong tương lai có thể tăng thêm 80 triệu người nữa. Người đứng đầu OHCHR cho rằng, các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, tan băng, hay lũ lụt đang diễn ra với mức độ ngày càng tăng và đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại.

Cùng quan điểm với cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc, nhà khí hậu học người Nga Alexei Kokorin ngày 2-7 cho biết, theo kịch bản biến đổi khí hậu xấu nhất, gần 3 tỷ người, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, sẽ trở thành người di cư vì biến đổi khí hậu vào cuối thế kỷ này. Theo vị chuyên gia này, ngay cả với kịch bản tốt nhất, vẫn sẽ có 10% người phải di cư. Cao ủy OHCHR Volker Turk nhấn mạnh, giải quyết biến đổi khí hậu vì thế còn là một vấn đề mang tính nhân quyền, đồng thời hối thúc các hành động thiết thực và khẩn trương để đảm bảo tương lai bền vững cho thế hệ sau. Do vậy, theo OHCHR, COP28 phải là một sự kiện mang tính quyết định và giúp thay đổi cuộc chơi trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Các chuyên giao cho rằng, việc có thể kìm hãm tốc độ ấm lên của trái đất phụ thuộc phần lớn vào việc các nước có giữ vững và thực hiện cam kết cắt giảm khí thải hay không. Nếu các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn của tất cả các quốc gia đều được thực hiện, mức nóng lên toàn cầu có thể ổn định trong phạm vi mục tiêu đề ra từ 1,5 độ C vào giữa thế kỷ này. Tuy nhiên, nếu chỉ tính các chính sách sẵn có và bỏ qua những cam kết có phần không rõ ràng, nhiệt độ toàn cầu nhiều khả năng sẽ tăng ở mức từ 2,5 độ C đến 3 độ C và khi đó thế giới thực sự đứng trước nguy cơ bước vào hành trình đếm ngược đến thảm họa khí hậu.