Tổ chức Khí tượng Thế giới: 2015 là năm nóng nhất trong lịch sử

ThienNhien.Net – Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình toàn cầu năm nay đã đạt mức cao nhất trong lịch sử, phá vỡ kỷ lục của năm 2014.

Dữ liệu khí tượng đo được từ đầu năm đến hết tháng 10 cho thấy nền nhiệt đô năm nay đã vượt mức nền nhiệt độ trung bình của cả năm 2014.

WMO cũng cho biết, giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn nóng nhất trong lịch sử. Nền nhiệt độ trung bình của giai đoạn này cao hơn 0,57 độ C so với giai đoạn 1961-1990.

Sự gia tăng nền nhiệt độ mạnh mẽ trong năm nay được lý giải bời sự kết hợp của El Nino hoạt động mạnh và hiện tượng nóng lên của Trái Đất do con người gây ra.

WMO cho biết ước tính sơ bộ của tổ chức này, trên cơ sở dữ liệu khí tượng từ tháng Một đến tháng 10, cho thấy nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu năm 2015 cao hơn 0,73 độ C so với trung bình nhiệt độ giai đoạn 1961-1990.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các nhà khoa học của WMO cũng phát hiện ra rằng nhiệt độ toàn cầu đã tăng khoảng 1 độ C so với giai đoạn 1880-1899.

WMO cho biết nồng độ khí nhà kính trong khí quyển cũng đạt mức cao mới. Ở Bắc Bán Cầu, mùa Xuân năm nay chứng kiến nồng độ khí CO2 trung bình ba tháng trên toàn cầu lần đầu tiên vượt ngưỡng 400 phần triệu.

“Năm 2015 có thể sẽ là năm nóng kỷ lục với nhiệt độ bề mặt đại dương ở mức cao nhất kể từ khi bắt đầu đo nhiệt độ. Có thể ngưỡng 1 độ C sẽ bị vượt qua.” – Tổng thư ký WHO Michel Jarraud cho biết.

“Đây là những tin xấu đối với hành tinh của chúng ra.” – ông Michel Jarraud nhấn mạnh.

Cũng như sự nóng lên của lục địa, phần lớn nhiệt đã đi vào các đại dương. WMO cho biết các đại dương đã hấp thụ hơn 90% năng lượng tích lũy trong hệ thống khí hậu từ khí nhà kính. Nhiệt độ của vùng Thái Bình Dương nhiệt đới đã cao hơn 1 độ C, phù hợp với hoạt động El Nino mạnh.

Theo WMO, El Nino đang được ghi nhận ở giai đoạn gia tăng hoạt động mạnh mẽ và được đánh giá là một trong ba đợt El Nino mạnh nhất kể từ năm 1950.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khí tượng cho rằng, tác động của hiện tượng El Nino thường cảm thấy mạnh mẽ hơn trong năm sau, có nghĩa là năm 2016 có thể sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự kiện này hơn là năm 2015.

Các mức nhiệt độ kỷ lục của năm 2015 đã được ghi nhận ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Trung Quốc ghi nhận mức tăng nhiệt độ cao nhất từ ​​trước đến nay trong giai đoạn tháng Một đến tháng 10. Đối với châu Phi, năm nay đã là năm nóng kỷ lục thứ hai trong lịch sử.

Những đợt nắng nóng đã ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới, với Ấn Độ nhiệt độ tối đa trung bình cao hơn 45 độ C ở một số khu vực. Ngoài ra còn có những giai đoạn nóng khủng khiếp ở châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông và các nơi khác.

WMO cũng cho biết có rất nhiều các sự kiện thời tiết khắc nghiệt đã xảy ra trong năm năm qua.

Các phát hiện mới trên có khả năng sẽ tạo ra chủ đề cho các cuộc tranh luận nóng bỏng tại sự kiện COP21 tại Paris vào tuần tới, khi các nhà lãnh đạo toàn cầu và các nhà đàm phán sẽ ngồi lại với nhau, tìm cách cách thỏa hiệp để hướng tới một thỏa thuận toàn cầu mới hạn chế lượng khí thải carbon dioxit.

Nguồn: