Dấu chân nghi của hổ ở Sơn La là của loài chó, sẽ đặt bẫy ảnh để xác minh

Khả năng cao các cá thể động vật ghi nhận được tại xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu không phải là hổ. Chính quyền địa phương cũng xác nhận không có người dân nào nhìn thấy hổ.

Trước thông tin vụ việc nhân dân bản Pá Phang 1, xã Chiềng Hắc huyện Mộc Châu thông tin phát hiện dấu chân 2 cá thể nghi là hổ tại khu vực rừng thuộc các bản Pá Phang 1, bản Tát Ngoãng, Piềng Lán, xã Chiềng Hắc. Huyện Mộc Châu đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh để có những thông tin cảnh báo đến người dân.

Ông Lê Văn Dũng, hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Mộc Châu (Sơn La), cho biết ngay sau khi có thông tin phát hiện, nghi là hai con hổ tại xã Chiềng Hắc, Hạt kiểm lâm huyện đã phối hợp các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh.

Theo đó, các cơ quan chức năng đã cử lực lượng đến điểm có dấu vết chân nghi là hổ mà người dân phát hiện để thực hiện đo kích thước, nhận dạng và chụp ảnh, gửi tham khảo ý kiến các chuyên gia.

Dấu chân nghi của hổ được người dân phát hiện ở Sơn La.

Qua nhận định ban đầu của các nhà chuyên môn thuộc Bộ môn Động vật rừng, Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp (GS.TS. Vũ Tiến Thịnh; TS. Nguyễn Đắc Mạnh; Ths. Đỗ Quang Huy), dấu chân phát hiện được có 4 ngón chạm đất, có dấu vuốt ở phía trước ngón được nghi là của thú họ chó.

Vết chân hổ không có dấu vuốt vì khi di chuyển hổ co vuốt vào trong nệm thịt, chỉ khi vồ mồi nó mới nhả vuốt ra. Dấu của đệm thịt chính giữa trên dấu chân chó khá tròn. Trong khi đó dấu của đệm thịt chính giữa trên dấu chân hổ trông có dạng hình thang và không giống với dấu chân chụp ảnh được ở xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu.

Cả khối dấu chân chó thường có dạng hình thoi còn cả khối dấu chân hổ thường có dạng hình tròn. Ngoài ra, chiều rộng của dấu chân đo được chỉ vào khoảng 6 cm, trong khi chiều rộng dấu chân của các cá thể hổ trưởng thành to hơn. Với kết quả so sánh như trên, khả năng cao các cá thể động vật ghi nhận được tại xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu không phải là hổ. Chính quyền địa phương cũng xác nhận không có người dân nào nhìn thấy Hổ mà chỉ phát hiện dấu chân và báo lại.

Tuy nhiên địa phương và lực lượng chức năng vẫn khuyến cáo nhân dân hạn chế di chuyển qua khu vực này, đồng thời đề cao cảnh giác và có phương án tự bảo vệ tốt nhất; nếu có phát hiện lạ cần kịp thời báo cho cấp ủy, chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT) thông tin, đã nắm được thông tin cũng như báo cáo nhanh của lực lượng kiểm lâm trên địa bàn. “Qua hình ảnh ghi nhận tại hiện trường cũng như tham vấn các nhà khoa học chuyên về động vật của Trường Đại học Lâm nghiệp, chúng tôi cho rằng, khả năng cao không phải là hổ. Dấu chân hổ khác. Nhìn qua hệ thống ảnh thì tôi cho rằng đó là một loài khác, móng của hổ không như vậy”, ông Thiện báo cáo.

Mặc dù vậy, ông Thiện cho biết, để có thông tin chính xác, lực lượng chức năng sẽ tiến hành đặt bẫy ảnh. Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm nắm địa bàn, tuyên truyền cho người dân hạn chế di chuyển qua khu vực phát hiện dấu vết chân nghi là hổ. Nếu phát hiện có hổ thật thì phải báo ngay cho các lực lượng chức năng để có phương án bảo vệ.

Như tin trước đó, ngày 9/6, UBND xã Chiềng Hắc (huyện Mộc Châu) có văn bản thông báo nhận được tin báo của người dân về việc phát hiện hai cá thể nghi là hổ tại khu vực rừng thuộc bản Pú Phang 1, bản Tát Ngoãng, Piềng Lán. UBND xã Chiềng Hắc chỉ đạo ban quản lý các bản trên địa bàn xã khuyên người dân không được di chuyển, qua lại, xua đuổi, sử dụng vũ khí, tác động đến hai con hổ. Đồng thời, di dời gia súc, gia cầm đến nơi an toàn…