Các tập đoàn thời trang tìm cách mới để xử lý hàng tồn kho

Khi không được thiêu hủy hàng tồn để bảo vệ giá trị hình ảnh, có thể các tập đoàn thời trang sẽ nhờ đến A.I để tính toán nhu cầu thực.

Năm 2017, thương hiệu thời trang H&M cho biết đã đốt 12 tấn áo quần không bán được mỗi năm kể từ năm 2013. Ảnh: H&M Fashion

Gần đây, để hạn chế hàng tồn, một số thương hiệu đã cải tiến nền tảng mua sắm trực tuyến theo cách cho phép đặt hàng trước và sản xuất theo số lượng đơn hàng. Nhiều thương hiệu khác lại đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (A.I) để quản lý tốt hơn nguồn hàng của mình.

Lý do là tháng 3 năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, đưa ra dự thảo về Quy định thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững (ESPR) nhằm khuyến khích tái chế và tái sử dụng các sản phẩm tiêu dùng trên toàn khối. EC lưu ý việc tiêu hủy các sản phẩm tiêu dùng không bán được hoặc bị trả lại, chẳng hạn như hàng dệt may và giày dép đã trở thành “một vấn đề môi trường phổ biến” do doanh số bán hàng trực tuyến tăng trưởng nhanh chóng.

Burberry đã đốt lượng hàng hóa không bán được trị giá 28,6 triệu bảng vào năm 2018. Ảnh: Re-Edition

Ngay cả trước khi EC lên tiếng, hàng tồn kho đã luôn là gánh nặng đối với các nhà bán lẻ. Theo Eluxe Magazine, việc loại bỏ hoặc lưu trữ hàng tồn kho tiêu tốn của các nhà bán lẻ Mỹ khoảng 50 tỉ USD mỗi năm, ở châu Âu con số này có lẽ cũng xấp xỉ.

Câu chuyện thiêu hủy hàng thời trang mỗi lúc mỗi nóng lên trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gây ra các tác động nghiêm trọng. Ngày 12/5 vừa qua, nhiều nước thành viên EU đã ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn hơn: cấm tiêu hủy “quần áo hoặc phụ kiện quần áo” không bán được. Đây được cho là một nỗ lực giảm lãng phí và ô nhiễm môi trường trong ngành công nghiệp dệt may, vốn đóng góp 20% lượng phát thải khí nhà kính của EU.

Để thích ứng, nhiều nhà bán lẻ hiện đã áp dụng các hoạt động mua hàng bền vững hơn để giảm lượng hàng dư thừa vào cuối mùa. Nhiều tập đoàn khác thì thử nghiệm các phướng pháp mới. Chẳng hạn, số hàng tồn kho sẽ được phân loại rồi chuyển đến các tổ chức thu gom quần áo dư thừa cho những người cần, một số hàng tồn kho khác có thể đem cho thuê hoặc ký gửi cho các nền tảng trực tuyến, hay đơn giản hơn là bán giá ưu đãi cho nhân viên trong tập đoàn.

Cần nhiều công sức hơn nữa là phương án các nhà thiết kế tận dụng các vật liệu bỏ đi hoặc còn sót lại để tái chế. Tập đoàn Kering tuyên bố rằng thay vì đốt vải không sử dụng, tập đoàn này sẽ đem tặng cho các nhà thiết kế đang phát triển để sử dụng. Tập đoàn LVMH cũng hợp tác với WeTurn, công ty thu gom quần áo và nguyên liệu không bán được để tái chế thành sợi và vải mới.

Cẩm Tú (Theo Financial Times)