Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5): Bảo tồn đa dạng sinh học – vì một tương lai xanh

Đa dạng sinh học có vai trò thiết yếu trong phát triển kinh tế – xã hội, cân bằng hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, Lào Cai xác định công tác bảo tồn đa dạng sinh học có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững.

Lào Cai là tỉnh biên giới miền núi phía Bắc, có điều kiện khí hậu đặc thù, phân hóa rõ rệt theo độ cao. Diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh là 378.036,2 ha. Rừng Lào Cai có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, điều tiết nguồn nước không chỉ đối với địa phương mà đối với cả khu vực Trung du, đồng bằng Bắc Bộ. Hệ thống rừng tại Lào Cai là nơi có tính đa dạng sinh học cao, có nhiều loài động vật, thực vật đặc hữu và quý hiếm, đặc biệt là trên dãy Hoàng Liên Sơn.

Theo các tài liệu nghiên cứu, điều tra, Hoàng Liên Sơn là dãy núi được đánh giá là “trung tâm” lớn nhất của cả nước về đa dạng sinh học với nhiều hệ sinh thái rừng tự nhiên đặc trưng của vùng núi cao, ôn đới cùng nhiều loài động vật, thực vật quý, hiếm, đặc hữu.

Trên cơ sở kế thừa các tư liệu nghiên cứu liên quan đến hệ thực vật của các khu rừng đặc dụng tại Lào Cai cho thấy hệ sinh vật rất phong phú và đa dạng. Hệ thực vật các khu rừng đặc dụng, phòng hộ phân bố trên nhiều sinh cảnh khác nhau như trảng cỏ, cây bụi, các loài cây gỗ trên núi đất và núi đá.

Qua các kết quả điều tra, nghiên cứu bước đầu đã tổng hợp thống kê được hệ thực vật các khu rừng đặc dụng có 6 ngành, 2 lớp, 231 họ, 1.254 chi và 3.864 loài thực vật bậc cao có mạch. Ngành Mộc lan đa dạng nhất (có 193 họ với 3326 loài). Có 354 loài thực vật đặc hữu, quý, hiếm, trong đó 161 loài đặc hữu, 195 loài quý, hiếm.

Học sinh thị xã Sa Pa trải nghiệm thực tế về đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Chăm sóc động vật hoang dã phục vụ công tác bảo tồn tại Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên.

Về tài nguyên động vật, theo thống kê khu hệ động vật rừng đặc dụng cũng rất phong phú về thành phần loài, với 955 loài động vật thuộc 106 họ, 29 bộ, 5 lớp. Trong đó, có 155 loài quý, hiếm (chiếm 16,23%), có 20 loài quý, hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới (chiếm 2,3%), có 19 loài thuộc phụ lục của Công ước CITES, có 22 loài đặc hữu điển hình cho vùng núi cao Hoàng Liên Sơn.

Sau khi cứu hộ thành công, động vật hoang dã được thả về môi trường tự nhiên.

Theo ông Lưu Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), Lào Cai là địa phương được đánh giá cao về tính đa dạng sinh học do đặc thù về tự nhiên, khí hậu. Trên địa bàn tỉnh có 1 vườn quốc gia và 2 khu bảo tồn thiên nhiên là nơi lưu giữ, bảo tồn nguồn gen nhiều loài động vật, thực vật quý, hiếm. Những năm qua, việc bảo tồn đa dạng sinh học tại Lào Cai được gắn với công tác bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường. Lào Cai xác định bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với việc phát triển sinh kế cho người dân, đảm bảo người dân được hưởng lợi, chia sẻ lợi ích từ việc bảo tồn đa dạng sinh học.

Tại Lào Cai, việc phát triển các mô hình kinh tế thân thiện với môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái, hưởng lợi từ việc khai thác và chia sẻ lợi ích từ hoạt động bảo vệ rừng đang được quan tâm thực hiện, thu được những hiệu ứng tích cực. Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học là cơ sở để thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng tương lai xanh, tạo sự phát triển bền vững cho địa phương

Ông Lưu Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai)

Trong những năm qua, Lào Cai đã ban hành các chỉ thị, văn bản, kế hoạch chỉ đạo về lĩnh vực quản lý đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, bảo tồn nguồn gen… và từng bước đưa công tác quản lý vào nền nếp. Lào Cai là địa phương được sự quan tâm đầu tư của các bộ, ngành Trung ương và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó, công tác quản lý, quy hoạch khoanh vùng, kiểm tra, giám sát được tăng cường; nhận thức của người dân, nhất là dân cư vùng lõi, vùng đệm các khu bảo tồn, vườn quốc gia và khách du lịch được nâng lên. Công tác quản lý được thực hiện tốt đã từng bước ngăn chặn các hoạt động xâm hại, khai thác tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, góp phần tích cực bảo vệ môi trường, bảo tồn nguồn gen, đa dạng sinh học, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.