Ngôi nhà an toàn của động vật có tên trong Sách đỏ

Điện Biên – Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé được coi là “ngôi nhà an toàn” của trên 450 loài động vật hoang dã, trong đó gần 100 loài có tên trong Sách đỏ.

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé (Điện Biên) – nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật hoang dã. Ảnh: Thanh Bình

Động vật hoang dã phải được sống ở nơi hoang dã

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có tổng diện tích 46.730,51ha trải dài trên địa bàn 5 xã biên giới (Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Kè) thuộc huyện Mường Nhé.

Nơi đây được coi là “ngôi nhà an toàn” của hàng trăm loài động vật hoang dã, đảm bảo cho sự phát triển, bảo tồn của hệ sinh thái đa dạng. Trong đó, có sự xuất hiện của một số loài động vật hoang dã có giá trị bảo tồn cao và có tên trong Sách đỏ.

Theo kết quả mới điều tra, đánh giá thực trạng hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, hiện nay tại khu bảo tồn có 458 loài động vật hoang dã. Trong đó, có 97 loài có giá trị bảo tồn cao thuộc Sách đỏ IUCN (Danh sách về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động vật và thực vật trên thế giới) và Sách đỏ Việt Nam.

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé ghi nhận 97 loài có tên trong Sách đỏ.

Ông Diệp Văn Chính – Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, cho biết: “Trong rất nhiều năm qua, lần đầu tiên chúng tôi có được kết quả điều tra về đa dạng sinh học một cách toàn diện nhất. Đây là một trong những cơ sở để chúng tôi đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm bảo vệ động vật hoang dã trước sự xâm hại của các yếu tố bên ngoài”.

Trên cơ sở đó, Khu Bảo tồn đã xây dựng hệ thống quản lý thông tin về thực trạng đa dạng sinh học theo kết quả điều tra để phân tích, xây dựng kế hoạch giám sát đa dạng sinh học có định hướng, thường xuyên, tập trung vào các loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị tại Khu bảo tồn…

Các loài động vật hoang dã được bảo vệ nghiêm ngặt trước sự xâm hại của các yếu tố bên ngoài.

Cùng với đó tổ chức các đợt điều tra đánh giá tài nguyên đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc trưng, các loài quý hiếm, các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh để có phương án quản lý, bảo vệ và bảo tồn cho phù hợp. Ngoài giải pháp về giám sát, điều tra Khu Bảo tồn đã đưa ra giải pháp về quy hoạch, quản lý bảo tồn đa dạng sinh học. Đặc biệt là phương án quản lý rừng bền vững.

“Do khu bảo tồn có nhiều vùng dân cư sinh sống, do vậy việc quy hoạch bãi chăn thả gia súc và vùng sản xuất, nương rẫy của đồng bào bản địa ra ngoài khu vực rừng đặc dụng là vô cùng quan trọng. Đặc biệt là tổ chức bảo vệ nguyên trạng sinh cảnh ở 4 khu vực cư trú quan trọng của động vật hoang dã. Điều đó bảo đảm cho nguyên tắc: Động vật hoang dã phải được sống ở nơi hoang dã” – ông Chính nói.

Cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé và đoàn khảo sát, nghiên cứu đánh giá thực trạng hệ sinh thái rừng. Ảnh: Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé

Ngôi nhà an toàn của nhiều loài động vật có tên trong Sách Đỏ

Trong các đợt khảo sát, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé đã ghi nhận được tổng số 210 loài chim thuộc 13 bộ và 46 họ; 28 loài bò sát lưỡng cư thuộc 2 lớp, 2 bộ và 10 họ. Đã tiến hành chụp ảnh 81 loài chim, quay phim 31 loài và 26 loài bò sát, lưỡng cư. Ngoài ra, Khu bảo tồn đã thực hiện thu thập 320 mẫu vật các loài chim và 244 mẫu vật các loài bò sát, lưỡng cư thông thường. Ghi nhận 198 loài bướm thuộc 11 họ và 103 giống.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái rừng ở đây nằm trong thảm thực vật nhiệt đới với 742 loài thực vật, trong đó có các loài, như: Pơ mu, dổi, trầm hương, lát hoa… nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Cùng với đó là 67 loài động vật, như: Gấu ngựa, nai, linh trưởng, voọc xám, tê tê, công… nằm trong Sách đỏ Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu sơ bộ về các loài thú nhỏ và lưỡng cư cũng đã ghi nhận thêm 10 loài thú nhỏ, 11 loài bò sát và 17 loài lưỡng cư trong Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé.

Khung cảnh thơ mộng, hoang sơ trong khu bảo tồn.

Theo ông Diệp Văn Chính, công tác bảo tồn đa dạng sinh học là giải pháp quan trọng nhất trong quản lý, bảo vệ động, thực vật hoang dã. Do vậy, Khu bảo tồn đã thường xuyên rà soát, thống kê kịp thời tình trạng các loại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp quý hiếm. Bên cạnh đó, Khu bảo tồn cũng là nơi tiếp nhận các cá thể động vật hoang dã do cá nhân, tổ chức giao nộp.

“Năm 2022, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé đã tiếp nhận và tái thả thành công 20 cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Trong đó gồm có: 16 cá thể rùa (15 cá thể rùa núi viền, và 1 cá thể rùa đầu to), 2 cá thể khỉ mặt đỏ, 1 cá thể khỉ đuôi lợn và 1 cá thể khỉ mặt vàng” – ông Chính cho hay.