Người Cơ tu tạ ơn mẹ rừng

Tạ ơn rừng là một trong những lễ hội quan trọng của người Cơ Tu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, được tổ chức vào những ngày đầu năm mới hàng năm. Với người Cơ Tu, lễ Tạ ơn rừng là dịp để họ cảm ơn những cánh rừng già đã che chở bảo vệ họ, đó còn là lời hứa của đồng bào trong việc nâng cao ý thức bảo vệ rừng, đồng thời gắn kết cộng đồng.

Đã thành thông lệ, hàng năm cứ vào khoảng giữa tháng giêng âm lịch, người Cơ Tu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam tập trung về tại khu làng sinh thái di sản Pơ Mu (xã A Xan, huyện Tây Giang, Quảng Nam) để tổ chức Lễ Tạ ơn rừng. Năm nay do bối cảnh dịch COVID-19 nên lễ hội không được mở rộng, chỉ tổ chức phần lễ với những nghi thức thiêng liêng nhất .

Lễ Tạ ơn rừng của đồng bào Cơ Tu

Lễ cúng thần rừng được bà con chuẩn bị tỉ mỉ. Mâm cúng trong lễ tạ ơn rừng gồm có dê đực, heo đực, gà trống, trà, rượu, gạo, muối, hoa quả, hai hòn đá, hai quả trứng gà và nhiều đồ cúng khác liên quan theo tín ngưỡng dân gian. Trong bộ trang phục Cơ Tu truyền thống, già làng Pơloong Nớp dẫn đầu đoàn người mang theo mâm cúng tiến vào sâu trong cánh rừng Pơ Mu cổ thụ. Con dê được cột vào cây nêu phía trước ngôi nhà cúng để làm vật tế thần linh. Sau điệu nhảy điệu tung tung za zá là điệu hú mời thần rừng về chứng giám nghi lễ, đại diện các già làng thực hiện nghi thức cúng bái.

Anh Bh’riu Thiện, thôn Agroong, xã A Tiêng, người dân huyện Tây Giang cho rằng, con người sống và lớn lên nhờ rừng, nhờ cây, nhờ suối. Rừng là tài nguyên vô giá, giúp người Cơ Tu tồn tại và phát triển. Do đó mình cảm ơn rừng. “Lễ tạ ơn rừng là truyền thống của ông bà mình rồi. Mình phải giữ rừng, đừng phá rừng già, đừng đầu nguồn để giữ lợi ích cho con cháu mai sau.” – anh Bh’riu Thiện cho hay.

Các già làng thực hiện lễ cúng Giàng

Từ ngàn đời xưa, đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang rất có ý thức về công tác bảo vệ môi trường sống của mình, nhất là những cánh rừng già, rừng đầu nguồn, khe sông, khe suối…. . Để bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh, nhiều bản làng ở huyện Tây Giang  còn đề ra quy ước, hễ ai muốn lấy gỗ trong rừng làm nhà phải được sự đồng ý của dân làng. Nếu khai thác cây nào thì Hội đồng già làng tính toán, đốn hạ những cây gỗ để sao không ảnh hưởng đến rừng già. Người nào vi phạm sẽ bị làng phạt vạ, nghiêm khắc hơn là cấm vào rừng.

Ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết,  lễ khai năm tạ ơn rừng là nét đẹp truyền thống của đồng bào Cơ Tu nhằm tạ ơn mẹ thiên nhiên đã che chở. Từ năm 2018, chính quyền huyện Tây Giang đã phục dựng Lễ hội Tạ ơn rừng với quy mô lớn không chỉ nhằm mục đích khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống của người Cơ Tu mà còn nâng cao nhận thức về công tác giữ rừng, văn hóa giữ rừng của người dân.

Cánh rừng Pơ mu được bảo vệ nghiêm ngặt ở huyện Tây Giang

“ Việc duy trì lễ tạ ơn rừng có ý nghĩa rất lớn trong việc biểu dương các hành động đẹp, cổ vũ mạnh mẽ việc chung tay gìn giữ môi trường tự nhiên, bảo vệ rừng già và nguồn nước ở cộng đồng. Năm nay, đặc biệt hơn Lễ tạ ơn rừng được tổ chức cùng với lễ phát động, hưởng ứng Tết trồng cây theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “- ông Nguyễn Văn Lượm cho hay.

Huyện Tây Giang có hơn 91 nghìn héc ta rừng. Trong đó, rừng tự nhiên chiếm hơn 70% với nhiều loại gỗ quý hiếm như lim (250ha), đỗ quyên (430ha), giổi (300ha), cùng sự đa dạng về hệ động thực vật quý hiếm còn sót lại trên dãy Trường Sơn. Đặc biệt khu rừng di sản pơmu có hơn 2.000 cây, gồm 1.146 cây được công nhận Cây di sản Việt Nam. Cõ lẽ chính vì truyền thống tôn trọng và bảo vệ rừng của người Cơ Tu nhiều năm qua Tây Giang là một trong những địa phương hầu như không xảy ra tình trạng phá rừng. Năm ngoái, liên tiếp những trận lở núi xảy ra tại huyện miền núi Nam Trà My, người dân càng nhắc nhở nhau về những cơn nổi giận của mẹ thiên nhiên và càng trân quý, gìn giữ cho được rừng thiêng.