Cận cảnh 59 cá thể rùa đầu to cực kỳ quý hiếm vừa bị tịch thu

Vườn quốc gia Pù Mát vừa phối hợp với Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife – SVW) tiếp nhận cứu hộ 59 cá thể rùa đầu to.

Mục sở thị người nước ngoài chế biến thức ăn cho động vật hoang dã tại Việt NamSKĐS – Tận mắt chứng kiến Mara Tabea Liz Capelle Schwierz chế biến rồi mang thức thức ăn đến chuồng tê tê mới hiểu, nếu không có tình yêu thiên nhiên thực sự, những con người ở đây không thể đưa những loài động vật hoang dã bị ‘chết hụt’ trở về với cuộc sống tự nhiên vốn có của chúng.

Toàn bộ 59 cá thể rùa đầu to này do Phòng cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ, tịch thu từ vận chuyển trái phép trên địa bàn huyện Diễn Châu.

Thông tin ban đầu cho biết đối tượng thu mua từ nhiều đầu mối và cất giữ tại nhà. Theo đó, Công an bắt và thu giữ 34 cá thể rùa đầu to đang trong quá trình vận chuyển, sau đó khám thêm tại nhà đối tượng thì phát hiện thêm 25 cá thể còn sống, một số cá thể rùa đã chết và 3 cá thể tê tê Java bị lấy hết vảy và nội tạng.

Rùa đầu to là động vật hoang dã đặc biệt quý hiếm.

Hiện tại, tất cả số lượng rùa trên đã được chuyển giao tới trung tâm cứu hộ Vườn quốc gia Pù Mát để cứu hộ và chăm sóc. Các cá thể này trong tình trạng rất yếu, có nhiều cá thể bị thương. Tất cả đang được chăm sóc tích cực tại trung tâm cứu hộ.

Một số hình ảnh về số cá thể rùa bị tịch thu:

Các cá thể rùa đầu to được đánh số sau khi bị tịch thu. Ảnh: SVW.
Toàn bộ số cá thể rùa được Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife – SVW) tiếp nhận chăm sóc. Ảnh: SVW
Các cán bộ SVW tiếp nhận số cá thể rùa đầu to để chăm sóc trước khi tái thả. Ảnh: SVW.

Trước đó, vào ngày 13/12/2022, SVW đã phối hợp với Vườn quốc gia Pù Mát tiếp nhận 68 cá thể rùa đầu to từ Công an tỉnh Nghệ An, nâng tổng số cá thể rùa đầu to SVW đang chăm sóc, phục hồi lên 127.

Theo anh Đặng Thanh Tuấn, nhân viên chăm sóc tại trung tâm cứu hộ VQG Pù Mát, chế độ chăm sóc rùa đầu to tốn nhiều thời gian và nhân lực. Theo đó, các cá thể này được cho ăn 2 ngày một lần với các loại thức ăn cá, giun, cua, lượng ăn từ 3-5% trọng lượng cơ thể rùa. Trung bình mỗi lần 127 cá thể này ăn khoảng 3-4kg cá nhỏ. Ngoài ra, các cá thể rùa cần được sưởi nắng, thường xuyên vệ sinh mai yếm rùa và chuồng nuôi để tránh rùa bị viêm loét da, nấm da. Nhiệt độ chuồng nuôi cần được đảm bảo ổn định từ 22-27 độ C.

Các hành vi vi phạm liên quan đến rùa đầu to sẽ bị phạt tù rất nặng.

Dự kiến sau khi thu mẫu di truyền và bệnh phẩm phân tích nhằm xác định phụ loài và sàng lọc những cá thể mang bệnh truyền nhiễm, các cá thể này sẽ đủ điều kiện để tái thả về tự nhiên.

Rùa đầu to (danh pháp hai phần: Platysternon megacephalum) là loài rùa có phân bố rộng ở các suối nước chảy trên độ cao trên 600m so với mặt nước biển ở các khu rừng thường xanh từ miền Bắc đến hết miền Trung và Tây Nguyên. Loài rùa này được liệt kê vào nhóm cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ thế giới do bị khai thác, buôn bán quá mức, nếu không ngăn chặn, loài này sẽ biến mất trong tương lai gần.

Đây là loài rùa duy nhất nằm trong họ rùa đầu to Platysternidae, sự biến mất của loài này sẽ khiến cả một họ biến mất theo. Rùa đầu to được bảo vệ nghiêm ngặt trong các văn bản luật Việt Nam. Nó thuộc nhóm IB trong danh sách được bảo vệ nghiêm ngặt tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP và được liệt kê vào danh sách những loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ thuộc nghị định 64/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Các hành vi vi phạm liên quan đến rùa đầu to sẽ bị phạt tù rất nặng.