Tìm giải pháp phục hồi cảnh quan rừng ở lưu vực sông Sêrêpốk

Ngày 31-10, Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp nhiệt đới Việt Nam (Tropenbos) phối hợp UBND huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo “Phục hồi cảnh quan rừng ở lưu vực sông Sê-rê-pốc từ nghiên cứu đến thực hành”.

Đại diện Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp nhiệt đới Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Tropenbos, Trường Đại học Tây Nguyên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, UBND huyện Krông Bông và các công ty lâm nghiệp, thành viên của nhóm hộ cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Krông Bông.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được thông tin về tình hình xung đột quyền sử dụng đất lâm nghiệp giữa các tổ chức và cá nhân, giữa người dân với người dân và đề xuất giải pháp can thiệp; chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn, xây dựng mô hình phục hồi cảnh quan rừng gắn với cải thiện sinh kế cộng đồng, đặc biệt là mô hình ở các vùng đất chồng lấn quyền sử dụng đất; đóng góp ý kiến nhằm thực thi có hiệu quả các giải pháp phục hồi cảnh quan rừng gắn với cải thiện sinh kế người dân tại huyện Krông Bông, Lắk, tỉnh Đắk Lắk, bởi đây là khu vực đầu nguồn lưu vực sông Sê-rê-pốc.

Theo số liệu nghiên cứu đưa ra tại hội thảo, hiện nay mô hình nhiều chủ thể tham gia quản lý đất lâm nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đang nảy sinh nhiều bất cập. Việc chồng lấn, tranh chấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp xảy ra với cả ba loại rừng gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, trong đó lấn chiếm đối với đất rừng sản xuất là gay gắt nhất. Bên cạnh đó, mâu thuẫn về chủ quyền sử dụng đất xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dân di cư tự do và tại vùng đất dự án nông-lâm nghiệp đã giao cho doanh nghiệp, tình trạng sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép chưa được quản lý hiệu quả.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, tình trạng chồng lấn đất lâm nghiệp tại Vườn quốc gia Chư Yang Sin ở đầu nguồn lưu vực sông Sê-rê-pốc với diện tích 128 ha. Đây là diện tích đất nương rẫy của người dân các xã Khuê Ngọc Điền, Hòa Lễ, Cư Pui, Yang Mao canh tác trước khi thành lập Vườn quốc gia Chư Yang Sin và chưa có hướng giải quyết. Bên cạnh đó, tại Vườn quốc gia Yok Đôn hiện cũng có 8.158 ha đất lâm nghiệp bị xâm canh mới. Về hiện trạng rừng giao cho cộng đồng, hộ gia đình quản lý hằng năm đều giảm…

Rừng và đất lâm nghiệp do Công ty lâm nghiệp Krông Bông và Vườn quốc gia Chư Yang Sin quản lý ở xã Cư Đrăm và Yang Mao, huyện Krông Bông bị người dân chặt phá, lấn chiếm.

Đối với Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Ka nằm trên địa bàn huyện Lắk cũng đang chịu áp lực lấn chiếm của cộng đồng vùng đệm của chín xã, ba huyện thuộc hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Tại đây, với chu kỳ sử dụng đất rẫy bình quân 10 năm, ước tính, hằng năm có đến 1.201 ha rừng bị chặt phá để làm nương rẫy trong vùng đệm hoặc xâm lấn vào khu bảo tồn, diện tích đất rẫy canh tách trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt thuộc tiểu khu 1292, 1295, 1305, 1306, 1301. Riêng buôn Lách Ló đã được quy hoạch và giao đất được thu hồi từ khu bảo tồn nhưng áp lực lên đất đai vùng lõi vẫn còn cao…

Vì vậy, tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đề xuất tỉnh Đắk Lắk cần quan tâm triển khai các giải pháp giải quyết tình trạng chồng lấn, tranh chấp đất lâm nghiệp, trước mắt cần áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành để ngăn chặn và giải quyết, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép; kiểm soát tình trạng dân di cư tự do; sang nhượng đất đai trái phép; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân sống lâu năm; rà soát diện tích khoán quản lý, bảo vệ rừng và khuyến khích người dân phát triển nông-lâm kết hợp; quy hoạch đất canh tác ổn định cho người dân tộc thiểu số tại chỗ… Nếu thực hiện tốt các giải pháp này không chỉ phục hồi cảnh quan rừng ở lưu vực sông Sê-rê-pốc mà còn nâng cao đời sống của người dân và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn…