Sông Hồng sẽ hết cát?

Trong vòng 100 năm tới có thể sẽ không còn cát ở sông Hồng vì 90% lượng phù sa đã bị giữ lại ở các hồ của Trung Quốc và Việt Nam. Về lâu dài, điều này có thể sẽ dẫn đến xói lở rất mạnh ở hạ lưu sông Hồng.

Đáy sông bị hạ thấp, xói lở sẽ rất mạnh

Mới đây trong một hội thảo bàn về an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà 2020, ông Mai Văn Biểu, chuyên gia quan trắc công trình ngầm, Hội đồng An toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà cho rằng trong vòng 100 năm tới có thể sẽ không còn cát ở sông Hồng vì 90% lượng phù sa đã bị giữ lại ở các hồ của Trung Quốc và Việt Nam. Chúng ta không thể trông chờ vào 10% còn lại vì chúng đều là những hạt lơ lửng. Về lâu dài, điều này có thể sẽ dẫn đến xói lở rất mạnh ở hạ lưu sông Hồng. Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hiện tượng này đang diễn ra rất nhanh.

PGS Phạm Đình Hòa, Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết hiện tượng xói sâu ở sông Hồng bắt đầu từ những năm 2000. Cho đến năm 2012, diện tích mặt cắt ngang dòng dẫn chính đã tăng 40% so với năm 2000. Điều này khiến mực nước sông hạ xuống. Từ năm 2000 đến nay, bình quân mỗi năm đáy sông bị hạ thấp 8cm. Lòng dẫn chính của sông đã bị xói sâu khoảng 2m, khiến mực nước hạ theo. Tỷ lệ phân lưu vào sông Đuống cũng thay đổi, do lòng sông Đuống đã bị hạ thấp nhiều hơn so với sông Hồng mà nguyên nhân do khai thác cát quá mức.

Trong vòng 15 năm, từ 1997 – 2012, gần 244 triệu m3 cát đã bị lấy đi khỏi lòng sông Hồng. Nhiều nhất là ngã ba Việt Trì đến ngã ba tam tỉnh Hưng Yên – Hà Nam – Thái Bình. Có năm, khối lượng cát bị lấy đi (theo nguồn thống kê được) riêng tại Hà Nội lớn gấp 3 lần lượng phù sa về tới Sơn Tây. Cát bị lấy đi, cùng phù sa bị giữ lại các hồ chứa không đủ bù đắp làm đáy sông liên tục hạ thấp. Hai bên bờ sông bắt đầu sạt lở. Nếu không có các biện pháp bảo vệ sông Hồng thì nguy cơ phải đối mặt trong tương lai sẽ rất tồi tệ.

Trông chờ gì vào vật liệu thay thế?

Cát tự nhiên hiện vẫn là loại vật liệu chưa thể thay thế trong xây dựng. Theo số liệu từ Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện nay nguồn cát được cấp phép khai thác của Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 60 – 65% nhu cầu của các thành phố lớn. Việt Nam đang phát triển hạ tầng rất nhanh và mạnh nên nhu cầu về nguyên liệu này không ngừng tăng cao. Với tốc độ xây dựng như hiện nay, các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho rằng, chỉ chưa đầy 15 năm nữa, nguồn cung cát sẽ cạn kiệt.

Tuy nhiên, theo TS Trần Bá Việt, chuyên gia cao cấp của Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện nay, cát nhân tạo có nguồn gốc từ đá nghiền đang được sử dụng ngày một phổ biến. Hơn nữa, loại “cát” này hiện mới được sử dụng nhiều trong sản xuất bê tông, và chưa thể sử dụng để thay thế cát hạt mịn hoặc cát hạt trung cho các công đoạn xây dựng khác.

Quy trình sản xuất cát từ đá nghiền khá phức tạp, do cần có dây chuyền hoàn chỉnh từ nghiền vỡ, đến thau rửa, làm sạch bột đá, rồi phối trộn với phụ gia để tạo thành cát. Thêm nữa, đá được sử dụng để sản xuất cát chủ yếu phân bố ở miền núi; sau thành phẩm phải vận chuyển xuống các tỉnh, thành phố có nhu cầu xây dựng cao nên chi phí bị tăng. Tại một số tỉnh, thành phố, giá cát từ đá nghiền lên tới 350.000 – 400.000/m3.

PGS.TSKH Bạch Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới cho hay, đã có một số đơn vị đầu tư sản xuất cát từ tro xỉ sau quá trình nhiệt điện. Theo tính toán của các nhà khoa học, cứ 100 triệu tấn than được tiêu thụ cho nhiệt điện sẽ tạo ra khoảng 150.000 – 300.000 tấn tro xỉ. Tuy nhiên, cũng giống như “cát nhân tạo” từ đá nghiền, chi phí để chế tạo cát từ tro xỉ tương đối cao. Để giảm thiểu tình trạng khai thác cát trái phép, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư, sản xuất cát nhân tạo.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, đánh thuế khai thác cát tự nhiên ở mức cao hơn. Chỉ khi giá thành và chất lượng của hai loại cát tự nhiên – nhân tạo được đưa về mức tương đương nhau, thì tình trạng tận diệt lòng sông để kiếm lời từ cát mới mong được giảm thiểu.