Tăng cường thực thi luật bảo vệ loài tê tê

ThienNhien.Net – Mặc dù đã được bảo vệ bởi luật pháp và công ước quốc tế, nhưng trong suốt thời gian qua, các loài tê tê <i>Manis spp.</i> vẫn đang được buôn bán rộng rãi ở châu Á để lấy thịt và làm thuốc chữa bệnh. Điển hình trong năm 2008 vừa qua là những vụ bắt giữ buôn bán và vận chuyển tê tê tại In-đô-nê-xi-a và Việt Nam với khối lượng lên đến cả chục tấn.

Từ tháng 08/2007, Mạng lưới giám sát nạn buôn bán động vật hoang dã (TRAFFIC) đã tiến hành nhiều cuộc điều tra về nạn buôn bán tê tê ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Việt Nam để nâng cao hiểu biết về việc buôn bán tê tê, cũng như sự gia tăng của họat động này trong khu vực.

Trước cảnh báo của TRAFFIC và nạn buôn bán tê tê diễn ra rầm rộ, giữa năm 2008 vừa qua, các nhà lãnh đạo, các chuyên gia nghiên cứu và bảo vệ động vật hoang dã từ 15 quốc gia trong khu vực đã nhóm họp tại Xinh-ga-po để thống nhất chương trình hành động nhằm ngăn chặn nạn buôn bán tê tê trái phép và tăng cường chia sẻ thông tin để bảo vệ loài thú này.

Các hành động đề xuất tập trung vào sự cần thiết có nhiều thông tin hơn về số lượng loài tê tê hiện nay và phục hồi lại loài này, phát triển mạng lưới giám sát buôn bán và hệ thống báo cáo tập trung ở các nước; xây dựng năng lực thực thi luật; và bổ sung các tài liệu giáo dục cho các cơ quan thực thi luật, cho trẻ em và cho các cơ quan truyền thông.

Sau hội thảo, nhóm hành động bảo vệ loài tê tê cũng đã được dự kiến thành lập. Nhóm này sẽ chịu trách nhiệm đẩy mạnh các họat động hợp tác nghiên cứu, xây dựng quỹ, trao đổi thông tin và các hoạt động hỗ trợ thực thi luật.

Các quốc gia ASEAN thống nhất quan điểm rằng cần bổ sung hệ thống luật bảo vệ động vật hoang dã ở khu vực, nhằm tăng cường vai trò kiểm soát bằng luật pháp đối với nạn buôn bán, và vận chuyển tê tê trái phép.