Công bằng khí hậu – chủ đề trọng tâm tại COP27

Tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Sharm el Sheikh (Ai Cập), ​​các nhà lãnh đạo thế giới đã lên tiếng về hành động cụ thể vì khí hậu, đặc biệt là thích ứng và vấn đề hóc búa về tổn thất và thiệt hại.

Người dân đặt các túi cát trên bờ sông ở Ấn Độ để chống lại nước dâng do bão và lũ lụt. Ảnh: ADB

Khởi động Chương trình nghị sự Thích ứng Sharm el-Sheikh

Theo Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), gần 50% dân số thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu vào năm 2030, ngay cả khi Trái đất nóng lên không quá 1,5 độ C.

Trong một sự kiện cấp cao, Ngoại trưởng Ai Cập kiêm Chủ tịch Hội nghị COP27, ông Sameh Shoukry đã khởi động Chương trình nghị sự Thích ứng Sharm el-Sheikh để tập hợp hành động toàn cầu xoay quanh 30 sự thay đổi cần thiết nhằm giải quyết điều mà Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) mô tả là “khoảng cách thích ứng” với khí hậu.

Chương trình nghị sự sẽ tăng cường khả năng phục hồi cho 4 tỷ người sống trong các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất về khí hậu vào năm 2030. Đây được cho là kế hoạch toàn cầu đầu tiên tập trung vào thích ứng nhằm tập hợp cả các chính phủ và các chủ thể phi Nhà nước đứng sau một loạt các hành động.

Nông dân ở quần đảo Thái Bình Dương, Vanuatu đang thích nghi với các mô hình thời tiết khô hạn hơn. Ảnh: UNICEF

Chương trình vạch ra những kế hoạch hành động về các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực và nông nghiệp, nước và thiên nhiên, các khu định cư của con người, đại dương và thành phố…

Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry đã mời các thành viên chính phủ và phi Nhà nước tham gia chương trình nghị sự trong suốt Hội nghị. Ông Simon Stiell, người đứng đầu Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cho biết, chương trình nghị sự này tập hợp mọi thành phần trong xã hội.

Các cam kết mới về thích ứng, tổn thất và thiệt hại

Ông Shoukry vui mừng trước việc một số quốc gia đã tuyên bố những cam kết mới về thích ứng, những cam kết cụ thể có thể giúp các nước tiến về phía trước. Ông đánh giá cao tuyên bố của Thủ tướng Anh Rishi Sunak rằng quốc gia này sẽ tăng gấp ba lần tài chính thích ứng vào năm 2025, vượt xa mức cam kết vào năm ngoái ở Glasgow.

Trong khi đó, Đức tuyên bố dành 170 triệu USD và Bỉ dành 2,5 triệu Euro để khắc phục hậu quả cho những tổn thất và thiệt hại, đặc biệt dành cho Mozambique, nước bị thiệt hại lớn do mưa lớn vào năm ngoái. Áo cũng công bố tài trợ 50 triệu USD cho tổn thất và thiệt hại, và Scotland, trước đó cam kết 2 triệu bảng Anh, đã thông báo sẽ hỗ trợ thêm 5 triệu bảng.

Tính đến ngày 8/11, chỉ có 5 quốc gia châu Âu, gồm Áo, Scotland, Bỉ, Đan Mạch và Đức cam kết giải quyết tổn thất và thiệt hại. Trong bối cảnh đó, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu đã kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu tiếp bước Châu Âu về việc cam kết tài trợ khí hậu cho thế giới đang phát triển.

Bà cho biết: “Những quốc gia đang phát triển phải được hỗ trợ nhiều hơn để thích ứng với khí hậu khắc nghiệt. Ủy ban Châu Âu kêu gọi các đối tác ở phía Bắc toàn cầu ủng hộ các cam kết tài trợ khí hậu của họ cho phía Nam toàn cầu”.

Trong khi đó, các quốc đảo nhỏ đang phát triển tiếp tục phản ánh việc các quốc gia phát triển không thực hiện những cam kết về tài chính của họ. Thủ tướng Antigua và Barbuda, ông Gaston Brown nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ đấu tranh không ngừng vì công lý khí hậu”.

Tăng cường tài chính thích ứng với khí hậu ở châu Phi

Cũng tại COP27, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã kêu gọi thêm nguồn tài chính thích ứng với khí hậu. Ông cho biết: “Nếu chúng ta không muốn chi trả nhiều hơn cho việc giải quyết hậu quả của thảm họa, chúng ta cần tăng cường đầu tư vào việc thích ứng”.

Ông Guterres nhắc lại, các ngân hàng phát triển đa phương có khả năng huy động rất lớn và tận dụng nguồn tài chính tư nhân không được sử dụng.

Ông Nana Akufo-Addo, Tổng thống Ghana cho rằng, mặc dù châu Phi ít gây ra biến đổi khí hậu nhất, nhưng người dân châu lục này, đặc biệt là giới trẻ, đang phải chịu những tác động tồi tệ nhất. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hỗ trợ và tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Cây đước được trồng trên một bãi biển trên Vịnh Thái Lan. Ảnh: UNDP tại Thái Lan

Trong khi đó, Tổng thống Rwanda, Paul Kagame cho biết, trong đại dịch COVID-19, nguồn tài chính từ bên ngoài đã không hoạt động đối với các quốc gia dễ bị tổn thương. Ông nói: “Đóng góp có giá trị nhất mà các nước phát triển có thể làm là giảm lượng khí thải của họ nhanh hơn trong khi đầu tư vào châu Phi để phát triển nguồn năng lượng xanh, bền vững. Không nên lấy câu hỏi liệu châu Phi đã sẵn sàng sử dụng tài chính khí hậu hay chưa như một cái cớ để biện minh cho việc không hành động”.

Những điểm nổi bật khác tại COP27

Bên cạnh chủ đề về công bằng khí hậu, nhiều sáng kiến ​​khác cũng được đưa ra tại COP27, bao gồm Sáng kiến ​​thị trường carbon châu Phi, nhằm mục đích mở rộng sự tham gia của châu Phi vào thị trường carbon tự nguyện bằng cách đặt ra các mục tiêu cho châu lục này và xây dựng một lộ trình các chương trình hành động sẽ được thực hiện trong vài năm tới để đáp ứng các mục tiêu đó.

Ngoài ra, tại COP27, một quốc đảo nhỏ đã yêu cầu một hiệp định quốc tế không phổ biến nhiên liệu hóa thạch, loại bỏ dần việc sử dụng than, dầu và khí đốt. Thủ tướng Tuvalu, Kausea Natano cho biết, các vùng biển ấm lên đang bắt đầu “nuốt chửng” vùng đất của chúng ta – đến từng inch. Tháng 9/2021, tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Vanuatu cũng đã kêu gọi thành lập hiệp định này.

Các nhà lãnh đạo từ các tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng đã kêu gọi hỗ trợ các nước đang phát triển. Bà Theresa Anderson, điều phối viên chính sách khí hậu tại tổ chức quốc tế chống đói nghèo Action Aid nhấn mạnh: “Thảm họa khí hậu để lại một cái bóng dài… trong nhiều thập kỷ, nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thế hệ. Chúng ta không thể để các cộng đồng dễ bị tổn thương, những người ít đóng góp vào cuộc khủng hoảng toàn cầu này tự mình ứng phó”.

Bà Anderson cho rằng, các nước đang phát triển đại diện cho 6 trong số 7 người trên hành tinh và các nước này đều mong muốn COP27 thiết lập một cơ sở tài trợ để giải quyết tổn thất và thiệt hại. Theo bà, các quốc gia phát triển gây ô nhiễm cần phải nhìn xa trông rộng hơn, nhận ra tầm quan trọng của một cơ sở tài chính mới có thể giúp các nước nghèo khổ phục hồi sau thảm họa khí hậu.