Cần thiết thành lập cơ sở đa dạng sinh học của Hà Nội

Hiện thực hóa Đề án thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học tại Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội sẽ đóng góp tích cực vào công tác cứu hộ, bảo tồn ĐVHD, bảo tồn đa dạng sinh học của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Đây là chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng với báo Kinh tế & Đô thị.

Ông có thể cho biết sự cần thiết thành lập cơ sở đa dạng sinh học trên địa bàn Hà Nội?

– Đa dạng sinh học của Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển bền vững đất nước, đặc biệt đối với sự phát triển của các ngành kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, y tế, công nghiệp và du lịch, mang lại lợi ích và sinh kế cho hàng triệu người dân.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, những tác động tiêu cực của con người đã làm đa dạng sinh học ở Việt Nam đang tiếp tục bị suy giảm, hệ sinh thái bị suy thoái, số lượng các loài bị đe dọa gia tăng.

Chuồng nuôi hổ tại Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội (xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn). Ảnh: Ánh Ngọc

Việc thành lập cơ sở đa dạng sinh học và đưa vào hoạt động hiệu quả sẽ đóng góp tích cực hơn nữa trong công tác cứu hộ, bảo tồn ĐVHD và bảo tồn đa dạng sinh học của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Theo đó, Trung tâm sẽ đẩy mạnh các chương trình, mục tiêu đề ra, phát huy được tiềm năng và cơ sở vật chất hiện có đối với công tác cứu hộ, chăm sóc, nghiên cứu và bảo tồn các loài ĐVHD quý hiếm; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về công tác bảo vệ ĐVHD, bảo tồn đa dạng sinh học tại Hà Nội và các vùng phụ cận.

Các điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị, máy móc… của Trung tâm hiện tại như thế nào, thưa ông?

– Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội được thành lập năm 1996, với tổng diện tích 10.000m2. Cơ sở nuôi, lưu giữ, bảo quản mẫu vật của các loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ gồm 9 chuồng nuôi, diện tích 3.253m2 (chuồng nuôi là 1.909m2; khu bán hoang dã, sân chơi 1.344m2).

Cơ sở nuôi, nhốt cứu hộ các loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ gồm 5 chuồng, diện tích 818m2 (chuồng nuôi là 50m2; khu bán hoang dã, sân chơi 768m2).

Các công trình sau nhiều lần nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, mở rộng, đến nay đã được thiết kế đảm bảo tuân thủ tốt tiêu chuẩn chuồng nuôi và phù hợp với đặc tính sinh học của từng loài. Với số lượng chuồng trại hiện nay đã đáp ứng được việc nuôi nhốt, bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm đang bảo tồn tại cơ sở.

Bác sĩ thú y tại Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội thăm khám cá thể rùa đầu to. Ảnh: Ánh Ngọc

Đối với khu nhà điều trị có diện tích 190m2 với chức năng khám, điều trị bệnh và phục hồi sức khỏe cho các cá thể ĐVHD. Bao gồm 3 phòng: Phòng khám và điều trị với chức năng khám sức khỏe, làm xét nghiệm và điều trị bệnh cho các cá thể ĐVHD, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại như: Máy siêu âm, máy truyền dịch, máy thở oxy, máy theo dõi nhịp tim, bàn mổ, đèn khám mắt halogen, máy đo nồng độ oxy, nồi hấp, máy sấy dụng cụ, máy đo huyết áp, kính hiển vi…

Phòng phục hồi với chức năng phục hồi sức khỏe sau điều trị cho các cá thể ĐVHD. Phòng được lắp đặt điều hòa đảm bảo điều kiện tốt nhất cho ĐVHD sau khi điều trị bệnh. Các cá thể ĐVHD được điều trị xong khi cần phải chăm sóc đặc biệt, chưa phục hồi sức khỏe sẽ được đưa sang để chăm sóc đặc biệt cho tới khi khỏe mạnh trước khi được đưa về chuồng nuôi nhốt.

Phòng dụng cụ với chức năng để chứa dụng cụ và phục vụ việc mổ khám bệnh tích, lấy mẫu xét nghiệm, phục vụ cho công tác chẩn đoán điều trị.

Đối với khu nhà bảo quản, lưu giữ mẫu vật với chức năng lưu giữ, bảo quản xác ĐVHD chết trong quá trình tiếp nhận, cứu hộ khi chưa có quyết định xử lý của các cơ quan chức năng. Khi các cá thể ĐVHD chết sẽ được mổ, khám bệnh tích xác định nguyên nhân tử vong sau được đưa về lưu giữ tại nhà xác được trang bị các tủ đông lạnh cỡ lớn, trước khi tiến hành tiêu hủy.

Bảo đảm an toàn cho ĐVHD luôn là nhiệm vụ được Trung tâm đặt lên hàng đầu. Vậy, cơ sở đa dạng sinh học cần đáp ứng theo những tiêu chí nào, thưa ông?

– Chúng tôi đã xây dựng khu nhà cách ly kiểm dịch với chức năng nuôi nhốt các cá thể ĐVHD mới tiếp nhận từ các cơ quan chức năng bàn giao, người dân tự nguyện giao nộp hiến tặng nhằm tránh sự lây lan dịch bệnh (nếu có), hỗ trợ cứu hộ và chăm sóc các loài ĐVHD. Khu này có diện tích 63m2, được trang bị đầy đủ lồng, cũi nuôi nhốt phù hợp với từng loài cá thể ĐVHD.

Bên cạnh đó, nhà chế biến thức ăn cho động vật có diện tích 154m2 được xây dựng riêng biệt, luôn được giữ sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình chế biến và nấu thức ăn. Nhà được trang bị đầy đủ các dụng cụ như: Nồi nấu cháo áp suất bằng điện, bàn chế biến, xe đẩy, tủ đông lạnh… Nguồn thực phẩm làm thức ăn cho ĐVHD được cung ứng bởi công ty có năng lực và uy tín trong việc đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm cũng như quy định an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, hệ thống cung cấp nước, hệ thống phòng cháy, chữa cháy hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống cổng và tường rào luôn được đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, hợp lý.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trước mắt, Trung tâm sẽ hoàn thiện việc quy hoạch, phân định rõ khu bảo tồn và khu cứu hộ để đảm bảo yếu tố an toàn cho cả người và động vật. Dự kiến trong năm 2023, Trung tâm sẽ mở cửa đón các đoàn học sinh đến tham quan, học tập (hình thức miễn phí).

Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng