Ngày càng nhiều loài chim hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng

Trong những năm qua, với áp lực từ nhiều phía, tình trạng săn bắt, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép dẫn đến động vật và chim hoang dã bị suy giảm đáng kể.

Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế thả chim hoang dã về tự nhiên. Ảnh: CĐ.

Ngày 15/12, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên – Huế phối hợp với tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tổ chức hội nghị “Tăng cường thực thi các giải pháp để bảo vệ chim hoang dã, chim di cư” theo tinh thần Chỉ thị 04/CT-TTg của ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Tham dự sự kiện có gần 70 đại biểu từ các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân huyện/thành phố và các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế cùng đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF).

Tại hội nghị, ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Thừa Thiên – Huế là một trong những tỉnh có tính đa dạng sinh học cai với nhiều hệ sinh thái đặc trưng, có sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam, khu vực và thế giới.

“Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, nuôi nhôt động vật hoang dã trái phép dẫn đến tài nguyên rừng, động vật và chim hoang dã bị suy giảm đáng kể. Trong đó có một số loài động vật và chim hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Do đó, Bảo vệ các loài động vật và chim hoang dã đang ngày càng trở nên cấp thiết”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo khảo sát nhanh do Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế thực hiện vào tháng 10/2022, toàn bộ gần 30 cơ sở có hoạt động nuôi nhốt và kinh doanh chim trên địa bàn tỉnh đều không có giấy phép kinh doanh và không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của các loài chim đang bị nuôi nhốt, kinh doanh. Phần lớn khách hàng của cơ sở là những người nuôi chim cảnh/chim hót để giải trí tại nhà.

Hành động trên diễn ra một phần do người dân chưa nhận thức rõ về nguy cơ liên quan đến pháp luật hay dịch bệnh từ chim hoang dã, cũng như vai trò quan trọng của động vật hoang dã đối với môi trường thiên nhiên.

Thông qua hội nghị, các đại biểu tham dự đã được hiểu biết chung về nhiệm vụ, giải pháp, vai trò của các ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, trong thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ tiếp tục tổ chức các diễn đàn nhằm tuyên truyền sâu rộng đến mọi người dân về bảo vệ chim hoang dã, chim di cư. Đề xuất UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn xử lý về động vật hoang dã trong đó có các loài chim để các đơn vị, địa phương dễ xử lý.

Đồng thời, mỗi địa bàn cấp huyện nên thành lập 1 tổ công tác để phối hợp tổ chức ký cam kết và tổ chức kiểm tra bắt giữ xử lý khi có thông tin về cá nhân, tổ chức vi phạm. Các Hạt Kiểm lâm tham mưu xây dựng Kế hoạch hoạt động cụ thể để phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương để tổ chức ký cam kết và kiểm tra bắt giữ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tổ chức WWF đang hợp tác với Bộ NN-PTNT, chính quyền các tỉnh và các đối tác khác triển khai Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học hướng đến mục tiêu duy trì và tăng cường chất lượng rừng, bảo vệ và duy trì ổn định các loài động vật hoang dã ở những khu rừng có giá trị bảo tồn cao tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Lâm Đồng và vườn quốc gia Cát Tiên, Cúc Phương.