Nổi tiếng là đất nước sạch sẽ, Nhật Bản vẫn thải nhựa thứ 2 thế giới

Nhật Bản đứng thứ 2 trên thế giới về quản lý rác thải nhựa, chỉ sau Đức, mặc dù xứ phù tang được ca ngợi về tỷ lệ tái chế nhựa lên tới hơn 85%.

Việc sản xuất nhựa dùng một lần ngày càng rẻ. Các quốc gia ở châu Phi và châu Á dễ dàng nhập khẩu mặt hàng này. Tại đây, nước uống sạch thường được đựng trong chai và túi nhựa, Kyodo News đưa tin.

Năm 2019, châu Á sản xuất 54% lượng nhựa trên toàn thế giới, dẫn đầu là Trung Quốc và Nhật Bản. Khoảng một nửa số rác thải nhựa được tìm thấy trên các đại dương chỉ đến từ 5 quốc gia: Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, theo BBC.

Ảnh hưởng

Sau cùng, nhựa tan rã thành các vi hạt không thể phân hủy sinh học, gây ra các mối đe dọa tiềm tàng đối với động vật hoang dã và sức khỏe con người.

Ô nhiễm nhựa ảnh hưởng tiêu cực đến 90% các loài sinh vật biển. Dù tác động với con người vẫn chưa được nghiên cứu sâu, người ta đã tìm thấy các vi hạt trong máu, nhau thai và sữa mẹ.

Rác thải nhựa trở thành vấn nạn ở châu Á, gây hại cho môi trường và sức khỏe con người. Ảnh: Nippon.

Nate Maynard, cựu tư vấn phát triển bền vững tại Đài Loan (Trung Quốc), cho rằng sự thiếu hệ thống quản lý rác thải ở nhiều vùng là một trở ngại lớn.

“Khi người dân không được tiếp cận quy trình xử lý chất thải đúng cách, họ sẽ đổ hoặc đốt nó. Việc này ảnh hưởng đến sức khỏe và để lại hậu quả về môi trường”, ông cho biết.

Hơn nữa, quản lý chất thải không đúng cách cũng dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết và hen suyễn.

Nhật Bản đứng thứ 2 trên thế giới về quản lý rác thải nhựa, chỉ sau Đức. Mặc dù xứ phù tang được ca ngợi về tỷ lệ tái chế nhựa lên tới hơn 85%, con số này vẽ nên một bức tranh quá màu hồng.

Theo Viện Quản lý Chất thải Nhựa tại Tokyo, vào năm 2020, chỉ có 21% chất thải nhựa được tái chế nguyên liệu, nghĩa là tái sử dụng sản phẩm. 63% được xử lý dưới dạng “tái chế nhiệt”, tức đốt nhựa để lấy năng lượng.

“Điều đó có nghĩa là 2/3 rác thải nhựa trên thực tế được đốt. Ở châu Âu, việc ‘tái chế nhiệt’ này sẽ được coi là thu hồi năng lượng chứ không phải tái chế”, Tetsuji Ida, nhà báo chuyên viết về đề tài môi trường, cho biết. Ông cũng nói rằng Nhật Bản là nước xuất khẩu rác thải nhựa lớn nhất.

Năm 2020, Nhật Bản đã xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á 820.000 tấn rác thải nhựa, chiếm khoảng 46% tổng lượng nhựa của khu vực này.

Theo nhà báo Ida, một phần vấn đề là do chiến lược xử lý rác thải nhựa của Nhật Bản khiến người tiêu dùng và chính quyền địa phương chịu gánh nặng lớn.

“Bước tốn kém nhất trong quy trình tái chế là phân loại, được thực hiện thủ công và chi trả bởi chính quyền địa phương. Điều đó có nghĩa là gánh nặng thuộc về người nộp thuế, trong khi các công ty chỉ trả phí tái chế chứ không cần bỏ tiền vào việc thu gom rác hay quản lý nội bộ”, ông nói.

Nhật Bản gặp vấn đề nghiêm trọng khi sản xuất và tiêu thụ nhiều nhựa dùng một lần. Ảnh: Financial Times.

Nhật Bản gặp vấn đề nghiêm trọng khi sản xuất và tiêu thụ nhiều nhựa dùng một lần. Ảnh: Financial Times.

Giải pháp tiến bộ

Trước sự gia tăng rác thải nhựa do thay đổi lối sống trong thời gian đại dịch, Hàn Quốc đã có những hành động kiên quyết. Tháng 9/2021, chính phủ đã cam kết giảm sử dụng nhựa vào năm 2030. Đồng thời, xứ kim chi đặt đặt mục tiêu trở thành xã hội không dùng đồ nhựa vào năm 2050.

Năm nay, Hàn Quốc khôi phục quy định cấm ly nhựa dùng một lần tại các quán cà phê và nhà hàng. Được áp dụng lần đầu vào năm 2019, biện pháp này đã bị gián đoạn do đại dịch, nhưng dự kiến mở rộng sang ống hút và dụng cụ ăn uống vào cuối năm nay.

Đài Loan áp dụng cách tiếp cận tương tự để quản lý rác thải nhựa. Với hơn 2.000 điểm tái chế của chính phủ và tư nhân, hòn đảo này có cơ sở hạ tầng tái chế hùng mạnh.

Tuy nhiên, tái chế chỉ là một phần trong giải pháp tiến đến xã hội bền vững hơn. Việc giảm thiểu rác thải cũng quan trọng không kém.

Tại Đài Loan xuất hiện mô hình “trả tiền khi vứt rác” với hệ thống định giá các túi rác với kích cỡ khác nhau, từ đó khuyến khích hạn chế rác thải. Năm 2018, trung bình một người Đài Loan thải ra 850g rác mỗi ngày, trong khi cách đây 15 năm, con số này là 1,2kg.

“Khi phải tốn tiền vứt rác, người tiêu dùng được khuyến khích mua những thứ có thể tái chế. Điều này cũng quan trọng như phân loại rác vì nó giúp giảm lượng chất thải”, Maynard nhận định.

Hàn Quốc triển khai quy định cấm cốc nhựa dùng một lần tại các quán cà phê. Ảnh: Korea Herald.

“Cuối cùng, chúng ta phải lên tiếng”, Ida nói. Ông chỉ ra sự đóng góp của người dân đã giúp thúc đẩy việc thực thi chính sách hạn chế rác thải ở các thành phố của Nhật Bản như Kameoka (Kyoto) và Kamikatsu (Tokushima), nơi tỷ lệ tái chế là khoảng 80%.

Tại thị trấn Kamikatsu, tổ chức phi lợi nhuận Zero Waste Academy làm việc với các nhà máy sản xuất để phát triển chương trình mua lại sản phẩm đã qua sử dụng, đồng thời vận động chính quyền địa phương ngừng vứt rác thải vào các bãi chôn lấp hoặc đốt chúng.

“Chính quyền thành phố là bên chịu trách nhiệm quản lý chất thải. Vì vậy họ là những người sẵn sàng hành động nhất”, nhà báo Ida cho biết.

Ở mặt tích cực, sự ủng hộ của công chúng với việc cắt giảm nhựa đang ngày càng gia tăng ở Nhật Bản.

Điều cần chú ý là dù những nỗ lực cá nhân có thể tạo ra sự khác biệt, người tiêu dùng cần gây áp lực lên các ban ngành và chính quyền địa phương để tạo ra thay đổi thực sự.