Virus mới phát hiện ở Trung Quốc nguy hiểm thế nào?

Langya henipavirus hay LayV, được phát hiện ở tỉnh Sơn Đông và Hà Nam của Trung Quốc, với các ca nhiễm có tiếp xúc với động vật.

Loại virus mới ở Trung Quốc được cho là có nguồn gốc động vật. (Ảnh: Erhard Nerger)

Triệu chứng giống cúm

Loại virus mới phát hiện ở Trung Quốc là Langya henipavirus (LayV) đã có ít nhất 35 ca bệnh ở các tỉnh Sơn Đông và Hà Nam.

Nghiên cứu từ Tạp chí Y học New England cho biết, các nhà khoa học theo dõi các ca nhiễm bệnh và nhận thấy triệu chứng LayV dường như giống bệnh cúm, bao gồm sốt, ho, nhức đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, chán ăn và buồn nôn.

Trong số 35 bệnh nhân, có 26 người được xác định chỉ nhiễm LayV, không có mầm bệnh nào khác.

“26 bệnh nhân này có biểu hiện sốt (100%), mệt mỏi (54%), ho (50%), chán ăn (50%), đau cơ (46%), buồn nôn (38%), đau đầu (35%), và nôn mửa (35%), kèm theo giảm tiểu cầu bất thường (35%), hạ bạch cầu (54%), và suy giảm chức năng gan (35%) và thận (8%)” – các nhà nghiên cứu cho hay.

Theo nghiên cứu này, các bệnh nhân LayV đều có lịch sử tiếp xúc với động vật ở miền đông Trung Quốc trong thời gian trước khi bị bệnh. Các chuyên gia y tế phát hiện virus mới này thông qua phân tích vật liệu di truyền và phân lập virus từ các mẫu dịch ngoáy họng.

Loại virus mới ở Trung Quốc Langya henipavirus được ghi nhận ở các bệnh nhân từng tiếp xúc với động vật. (Ảnh chụp màn hình)

Bộ gene của LayV được cho là bao gồm 18.402 nucleotide và có tổ chức bộ gene giống hệt các henipavirus khác trong họ Paramyxoviridae – còn được gọi là họ virus RNA sợi đơn.

Theo nghiên cứu của NEJM, henipavirus có thể lây nhiễm sang người và gây ra các bệnh chết người. Những loại virus này thường được phát hiện ở dơi, động vật gặm nhấm và chuột chù.

Cho tới nay, chưa có sự lây truyền LayV từ người sang người và các bệnh nhân đã được phát hiện mắc bệnh ở Trung Quốc không tiếp xúc gần với nhau.

“Lây nhiễm trong dân số có thể rải rác. Theo dõi tiếp xúc của 9 bệnh nhân với 15 thành viên gia đình tiếp xúc gần cho thấy không có sự lây truyền LayV qua tiếp xúc gần, nhưng kích thước mẫu quá nhỏ để xác định tình trạng lây truyền từ người sang người của LayV” – các nhà khoa học nêu trong nghiên cứu.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý cần đánh giá thêm để xem LayV có thể có phản ứng chéo với virus Mojiang, một loại virus henipav khác có thể gây ra bệnh viêm phổi chết người hay không.

Việc phát hiện Langya henipavirus xảy ra vào thời điểm mà hầu hết thế giới đang ứng phó với COVID-19 và ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ.

Chuột chù có thể là nguồn lây

Các nhà nghiên cứu từ Trung Quốc, Singapore và Australia trong nghiên cứu về Langya henipavirus đăng trên Tạp chí Y học New England đưa ra giả thuyết rằng chuột chù có thể đã mang virus trước khi lây nhiễm sang người.

Mẫu virus Langya đầu tiên được phát hiện vào cuối năm 2018 từ một nông dân ở tỉnh Sơn Đông khi người này bị sốt. Trong khoảng thời gian gần 2 năm, 34 người khác đã được phát hiện bị nhiễm bệnh ở Sơn Đông và tỉnh Hà Nam lân cận, với phần lớn là nông dân.

Việc giải trình tự gene của virus sau đó cho thấy mầm bệnh thuộc họ henipavirus vốn có 5 loại virus đã biết khác. Hai loại trong họ henipavirus được coi là có độc lực cao và liên quan đến tỉ lệ tử vong cao, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ. Không ai trong số các bệnh nhân Langya tử vong, nghiên cứu lưu ý.

Chuột chù có thể mang virus Langya sau đó lây sang người. (Ảnh chụp màn hình)

Các nhà nghiên cứu cũng đã thử nghiệm 25 loài động vật hoang dã nhỏ để tìm virus Langya. Kết quả là vật chất di truyền của virus này “phát hiện chủ yếu” ở chuột chù, khiến nhóm nghiên cứu cho rằng các loài động vật có vú nhỏ là một “ổ chứa tự nhiên” cho virus.

Francois Balloux, giáo sư sinh học hệ thống tính toán tại Đại học College London, người không tham gia vào nghiên cứu, nhận định, virus Langya dường như không “giống như một sự lặp lại của COVID-19”. Ông lưu ý, loại virus mới này ít gây chết người hơn nhiều so với các loại henipavirus khác và “có lẽ không dễ lây truyền từ người sang người”.

Tuy nhiên, việc phát hiện loại virus mới ở Trung Quốc được coi là “một lời nhắc nhở khác về mối đe dọa tiềm tàng của nhiều mầm bệnh lưu hành trong các quần thể động vật hoang dã và vật nuôi có khả năng lây nhiễm sang người”, giáo sư Balloux nói thêm.

Virus lây từ động vật sang người không phải là hiếm. Các nhà khoa học cho biết, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật và gần 1,7 triệu loại virus chưa được phát hiện có thể tồn tại ở động vật có vú và chim. Virus Hendra và Nipah, 2 henipavirus có tỉ lệ tử vong cao, có thể lây nhiễm khi tiếp xúc gần với ngựa, lợn và dơi nhiễm bệnh.

Các nhà khoa học nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm từ động vật đã cảnh báo từ trước đại dịch COVID-19 rằng những hoạt động như buôn bán động vật hoang dã, phá rừng và đô thị hóa đưa con người đến gần động vật hơn, làm tăng tỉ lệ lây lan của virus.