Trung Quốc phát hiện virus mới, chưa có vaccine và thuốc điều trị

Trong khi mối đe dọa của COVID-19 vẫn kéo dài hơn 2 năm kể từ khi đại dịch bùng phát và đợt bùng phát đậu mùa khỉ đang gây lo ngại, một loại virus mới lây từ động vật sang người đã được phát hiện ở Trung Quốc.

Trung Quốc vừa phát hiện Langya henipavirus hay LayV, loại virus lây từ động vật sang người (ảnh minh họa). (Ảnh: AFP)

Những điều đã biết về virus Langya

Giới nghiên cứu đang theo dõi sự lây lan của Langya henipavirus (LayV), một loại virus mới phát hiện ở Trung Quốc, với hàng chục ca đã được ghi nhận. Loại virus này được phát hiện lần đầu tiên năm 2018 ở các tỉnh Sơn Đông và Hà Nam ở đông bắc Trung Quốc nhưng chỉ được xác định chính thức vào tuần trước sau khi Trung Quốc ghi nhận số ca mắc gia tăng, hiện lên tới 35 ca.

Theo nghiên cứu được Viện Vi sinh vật và Dịch tễ học Bắc Kinh công bố tuần trước, virus Langya được xác định sau khi giới chức triển khai một đợt kiểm tra sức khỏe vì một số bệnh nhân bị sốt và có lịch sử tiếp xúc với động vật ở miền đông Trung Quốc. Sau khi xác định virus Langya trong mẫu dịch ngoáy họng của bệnh nhân, các nhà nghiên cứu đã xác định được virus có ở 35 người – chủ yếu là nông dân – ở các tỉnh Sơn Đông và Hà Nam.

Virus Langya cùng họ với virus gây tử vong là Nipah và Hendra – họ henipavirus. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, chỉ có 2 henipavirus được biết đến là nguyên nhân gây bệnh ở người: Hendra và Nipah. “Nhiễm Hendra và Nipah đều có thể gây bệnh giống cúm nặng với các triệu chứng sốt, đau cơ, đau đầu và chóng mặt. Bệnh có thể tiến triển thành viêm não nghiêm trọng với tình trạng lú lẫn, phản xạ bất thường, co giật và hôn mê; các triệu chứng hô hấp cũng có thể xuất hiện” – CDC Mỹ lưu ý. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay, họ henipavirus rất nguy hiểm, trong đó Nipah được ước tính có tỉ lệ tử vong từ 40 đến 75% – cao hơn nhiều so với tỉ lệ tử vong do COVID-19.

Hiện chưa rõ mức độ nguy hiểm của virus Langya với nhân loại, vì tất cả các bệnh nhân nhiễm virus cho tới thời điểm hiện tại đều trải qua triệu chứng giống cúm nhẹ và chưa ghi nhận ca tử vong nào. Theo một nghiên cứu của Trung Quốc từ năm 2008, henipavirus được ghi nhận ở chi dơi quạ và một số loài dơi nhỏ. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác cũng xác định được các henipavirus khác ở dơi, động vật gặm nhấm và chuột chù.

Triệu chứng, phương thức lây truyền và cách điều trị

Triệu chứng phổ biến nhất của virus Langya là sốt (tất cả các bệnh nhân đều gặp phải), nhưng những người bị nhiễm virus cũng bị mệt mỏi (54%), chán ăn (50%), đau cơ (46%), ho (50%), buồn nôn (38%), đau đầu và nôn mửa (35%) sau khi nhiễm virus. Một số bệnh nhân cũng có các diễn tiến bất thường về tế bào máu và các dấu hiệu của tổn thương gan và thận, nhưng chưa có bệnh nhân nào tử vong.

Virus Langya là bệnh truyền nhiễm từ động vật – có nghĩa là virus lây từ động vật sang người. Không có bệnh nhân nào trong số những bệnh nhân đã được xác định ở Trung Quốc tiếp xúc gần với nhau nên các chuyên gia tin rằng việc lây truyền virus từ động vật sang người vẫn còn lẻ tẻ.

Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc vẫn đang nỗ lực tìm ra chính xác loài động vật nào có liên quan đến việc truyền virus Langya, nhưng giới chuyên gia đang nghi ngờ khả năng chuột chù là loài lây truyền. Các nhà khoa học tại Viện Vi sinh vật và Dịch tễ học Bắc Kinh phát hiện trong 25 loài động vật hoang dã nhỏ được khảo sát, bộ gene của virus Langya đã được phát hiện ở chuột chù, với 27% trong số 262 cá thể chuột chù được kiểm tra có chứa virus. Điều này có thể có nghĩa là chuột chù có khả năng là ổ chứa virus Langya tự nhiên.

Dù chắc chắn virus Langya được truyền từ động vật sang người nhưng các nhà nghiên cứu chưa chắc chắn về khả năng lây truyền từ người sang người của loại virus này. Theo các nhà khoa học Trung Quốc, việc theo dõi tiếp xúc của 9 bệnh nhân với 15 người thân có tiếp xúc gần cho thấy không có sự lây truyền của virus. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý, lượng mẫu phân tích quá nhỏ để xác định liệu có lây truyền từ người sang người hay không.

Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền Đại học College London, người không tham gia nghiên cứu, cho biết, bởi virus này lần đầu tiên được phát hiện ở người năm 2018 nên đây là dấu hiệu cho thấy Langya không lây lan nhanh chóng. “Các henipavirus khác có thể lây nhiễm sang người. Virus Nipah nói riêng là một nguyên nhân đáng lo ngại vì được xác định là có khả năng lây truyền giữa người với người, nhưng nó gây tử vong không có nghĩa là có khả năng gây đại dịch. LayV dường như ít gây tử vong hơn nhưng có lẽ không dễ dàng truyền từ người sang người” – ông nhận định.

“Ở giai đoạn này, Langya dường như không giống như một sự lặp lại của COVID-19. Tuy nhiên, nó như một lời nhắc nhở khác về mối đe dọa tiềm tàng của nhiều mầm bệnh lưu hành trong các quần thể động vật hoang dã và vật nuôi có khả năng lây nhiễm sang người” – Francois Balloux cảnh báo.

Hiện tại chưa có vaccine phòng henipavirus cho người dù đã có một loại vaccine phòng Hendra cho ngựa, Euro News cho hay.