Dân tộc 100 người trước nguy cơ bị “xóa sổ”: Bức tâm thư gửi Thủ tướng

“Xóa sổ” hiểu theo đúng nghĩa đen, tức trên giấy tờ có thể sẽ không còn người Thủy nữa mà phải sáp nhập vào các dân tộc khác, trái ngược với nguyện vọng của họ…

Trên đường ra ruộng. (Ảnh: Dương Đình Tường)

Công nhận không phải là để đòi hỗ trợ

“…Hồng Quang ngày 5/9/2019

Kính gửi: Thủ tướng Chính Phủ; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Thưa bác, cháu tên là Lý thị Toàn sinh ngày 14/4/1988, dân tộc Thủy, cư trú thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Cháu viết thư này đại diện cho tộc người Thủy để bày tỏ với bác về tâm tư, nguyện vọng của bà con tộc người Thủy như sau: Tộc người Thủy gồm 26 hộ với 104 khẩu, hiện nay sinh sống chủ yếu ở thôn Thượng Minh, thôn Khuổi Xoan, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã có rất nhiều đoàn đến tìm hiểu về nguồn gốc, đời sống văn hóa, phong tục, tập quán của tộc người Thủy…

Nhưng đến nay chưa có ý kiến của Đảng, Nhà nước về việc có công nhận hay không công nhận tộc người Thủy thành dân tộc Thủy hoặc ghép với một dân tộc nào đó.

Bản thân cháu đã nhiều lần có ý kiến tại các cuộc họp, đặc biệt các kỳ họp HĐND huyện tuy nhiên đến nay chưa được giải quyết. Việc chưa công nhận dân tộc đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và tinh thần của con em tộc người Thủy nơi đây.

Từ năm 2015 trở về trước trẻ em tộc người Thủy sinh ra vẫn được đăng ký khai sinh, đến tuổi được cấp chứng minh nhân dân đầy đủ. Bắt đầu từ năm 2016 công an tỉnh Tuyên Quang dừng cấp chứng minh nhân dân cho tộc người Thủy.

Hiện nay bà con, một số do mất chứng minh nhân dân, bị hỏng hay đến tuổi làm mà chưa được cấp, trẻ em đi học không có chính sách cho học sinh, sinh viên…

Đặc biệt các em học sinh học xong cấp 3 muốn đi học tiếp hoặc đi công ty không được do không có chứng minh nhân dân, một số cá nhân, hộ gia đình muốn vay vốn phát triển kinh tế cũng không được giải quyết do không có chứng minh nhân dân…”.

Thiếu nữ dân tộc Thủy. (Ảnh: Dương Đình Tường)

Bức thư của Lý Thị Toàn gửi đã lâu nhưng chưa nhận được hồi âm. Về việc này UBND huyện Lâm Bình cũng đã có văn bản 768 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang còn Phòng tư pháp huyện trong công văn số 07 cũng xác nhận: “Dân tộc này (Thủy) đã tồn tại tại xã Hồng Quang huyện Lâm Bình từ lâu và được đăng ký hộ tịch nhưng không có trong danh mục các dân tộc Việt Nam ban hành theo Quyết định 121 ngày 2/3/1979 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Đây là vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện đăng ký và quản lý hộ tịch ở địa phương”.

Lý Thị Hạnh – cô gái Thủy đầu tiên dám vượt các dãy núi cao bao bọc quanh thung lũng Thượng Minh để đi học đại học, hiện đang làm cán bộ tư pháp, hộ tịch của xã bảo: “Vừa rồi chúng em kết hợp với công an, tư pháp huyện đi tuyên truyền, vận động những người Thủy nào có bố hoặc mẹ là dân tộc khác thì chuyển sang để đảm bảo quyền lợi công dân liên quan đến chứng minh nhân dân như vay vốn ngân hàng, giấy phép lái xe, đăng ký xe, con đi học… Hiện có khoảng 40 người đã chuyển theo dạng này.

Đối với người Thủy thuần cả bố lẫn mẹ thì phải tìm hiểu ngược lên xem ông bà có là người dân tộc khác không để vận động chuyển. Có 3 người đã chuyển theo dạng này nhưng một số có ông hay bà là người Dao, Kinh, Nùng không đồng ý chuyển bởi họ không biết tiếng cũng như phong tục tập quán của các dân tộc này”.

Lá thư gửi Thủ tướng Chính phủ của Lý Thị Toàn. (Ảnh: Dương Đình Tường)

Bản thân Hạnh là người Thủy. Núi rừng nuôi lớn phần xác, lời hát, chuyện cổ nuôi lớn phần hồn nhưng tháng 3 năm nay em cũng phải chuyển sang của mẹ là Pà Thẻn. Sâu thẳm trong em vẫn muốn là người Thủy, nếu được Nhà nước cho phép công nhận dân tộc Thủy vẫn muốn chuyển trở lại:

“Một số người ngoài chắc sẽ nghĩ chúng em muốn giữ dân tộc Thủy để lấy chế độ hỗ trợ nhưng không phải thế. Người Pà Thẻn đang được hưởng chế độ dành cho dân tộc thiểu số dưới 10.000 dân theo Quyết định 2086 gồm các hỗ trợ về sản xuất, về học tập.

Như anh ruột em là Lý Văn Thắng, nếu đồng ý cho hai đứa con chuyển sang dân tộc của vợ (Pà Thẻn) đi học sẽ được hỗ trợ 1,4 triệu đồng/người/tháng nhưng vừa rồi chính em vận động vẫn không chấp nhận”.

Chứng minh thư của Lý Thị Toàn trước đây có ghi dân tộc Thủy. (Ảnh: Dương Đình Tường)

Trở lại Thượng Minh

Anh Phù Đức Lâm – Chủ tịch xã Hồng Quang vốn gốc người thôn Thượng Minh nên cũng hiểu rất rõ về dân tộc này: “Họ có tiếng nói riêng, có các bài hát, bài cúng, trang phục riêng nhưng không có chữ viết. Cả vợ lẫn chồng đều là người Thủy có gia đình ông Bàn Văn Kim, ông Mùng Văn Chấn còn lại lấy lẫn người Dao, Tày, Pà Thẻn và Kinh.

Hiện đang có đợt tổng điều tra để làm thẻ căn cước, nếu không chuyển sang dân tộc khác thì người Thủy sẽ mất quyền lợi công dân vì chứng minh thư cũ sẽ trở nên vô nghĩa. Nhưng họp 100% dân đề nghị giữ nguyên dân tộc gốc của mình, nếu buộc phải chuyển thì sẽ sang Pà Thẻn vì còn có đôi nét giống…”.

Anh Phù Đức Lâm – Chủ tịch xã Hồng Quang: Họp dân, 100% mong muốn giữ lại dân tộc Thủy gốc của mình. (Ảnh: Dương Đình Tường)

Sau 10 năm trở lại, Thượng Minh đã có một số thay đổi như đường đang được mở rộng nhưng vẫn rất xấu, toàn đất, nhiều nhà có ti vi, tủ lạnh, xe máy nhưng sự nghèo khó vẫn hiện diện rõ nét. Nỗi buồn và sự thất vọng cũng hiện rõ trên từng mặt người.

Ông Bàn Văn Kim năm nay 88 tuổi kể, dân tộc mình vốn gốc ở Trung Quốc, vào một năm hạn hán lớn, mất mùa, đã di cư sang Việt Nam được khoảng sáu, bảy đời nay. Lúc đầu, đoàn người có rất nhiều họ, cư trú tại tỉnh Hà Giang, dựng nhà bằng cây rừng, đào củ mài, củ nâu để sống rồi tập trồng trọt.

Nhưng nghiệt ngã thay, trồng sắn thì hươu ăn lá đằng trước, lợn lòi đào củ ở đằng sau, dân bản chỉ còn biết ôm nhau mà khóc.

Sơn lam chướng khí, đói ăn, bệnh tật khiến cho nhiều dòng họ bị tuyệt diệt chỉ còn lại Mùng, Lý và Bàn. Sau cách mạng tháng Tám, 3 gia đình đại diện cho 3 dòng họ người Thủy rời Hà Giang rút vào vùng núi đá hiểm trở thuộc thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình, Tuyên Quang) sinh sống…

Đường vào bản Thủy. (Ảnh: Dương Đình Tường)

10 năm không gặp mà Lý Văn Thắng vẫn nhận ra tôi – nhà báo năm nào từng viết bài “Dân tộc 100 người”.

Thắng đang cùng vợ gói ghém ít đồ đạc cùng mấy chùm dâu da rừng để đi làm thuê dưới xuôi, gửi lại hai đứa con cho bà. Đó cũng là con đường sinh nhai của đa số thanh niên Thủy khi núi rừng chỉ cho họ đủ ăn còn ti vi, tủ lạnh, xe máy đều đến từ việc làm nơi xa xứ với nhiều rủi ro.

Hỏi tại sao không chuyển dân tộc khác cho con để còn lấy hỗ trợ, Thắng khảng khái đáp: “Nếu con khác dân tộc với bố thì chúng chẳng phải là con mình nữa rồi!”.

Anh Mùng Văn Chấn bên hòn đá thiêng. (Ảnh: Dương Đình Tường)

Tôi đến thăm cặp vợ chồng thuần Thủy là Mùng Văn Chấn và Lý Thị Văn. Năm ngoái anh bị thoái hóa cột sống nặng không đi lại được.

Do dân tộc mình vô thừa nhận nên anh không có thẻ bảo hiểm, không vào nổi bệnh viện công mà phải đi chụp chiếu bên ngoài hết hơn 10 triệu. Để chạy chữa cho chồng chị phải bán rẻ đi 3 con lợn chưa kịp lớn rồi vay mượn thêm thắt vào.

Nghèo, một vụ thiếu ăn mất hai tháng, trụ cột là chồng ốm nặng còn chị Văn sinh ra chân đã một ngắn, một dài, không làm được việc nặng, khổ lại càng thêm khổ.

Sợ chồng chết trong khi nhà đã không còn gì để bán nữa, chị vừa kể vừa rớm nước mắt: Chứng minh thư, sổ hộ khẩu, bảo hiểm y tế của cả nhà tháng 4 vừa rồi đã bị thu hết nên con út Mùng Thị Dung trước làm công nhân dưới Hải Phòng, giờ không thể đi được nữa.

Con cả Mùng Thị Hà làm dâu ngay tại bản, bụng chửa to mà không có giấy tờ nên chẳng biết có đi bệnh viện huyện đẻ được không…

Vì không làm được chứng minh thư nên Hồng không thể đăng ký kết hôn, con đẻ ra không làm được giấy khai sinh. (Ảnh: Dương Đình Tường)

Trong ngôi nhà tuềnh toàng không có gì đáng giá, Mùng Văn Hồng ôm đứa con lớn hơn 3 tuổi vào lòng còn vợ ngồi đưa nôi đứa nhỏ mới sinh: “Trước em có giấy chứng minh thư nhưng đã làm mất, xin cấp lại mà 3 năm nay chưa được vì họ bảo không có dân tộc Thủy. Không có giấy tờ không thể đăng ký kết hôn, con không được khai sinh, không được đi học còn bản thân em không đi đâu được…”.

Người Thủy có nguồn gốc từ nhóm dân Bách Việt cổ đã định cư tại miền nam Trung Hoa từ trước thời nhà Hán. Ngày nay, 93% người Thủy (tức 322.000) cư trú tại Quý Châu, Trung Quốc và khoảng một nửa trong số đó sống tại huyện tự trị dân tộc Thủy Tam Đô. (Theo từ điển mở Wikipedia).