“Suối chảy” giữa lòng đường, bà con trồng được cây lúa, củ khoai cũng không biết bán cho ai

Qua các hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên khóa XV từ đầu nhiệm kỳ tới nay, kiến nghị về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông luôn được cử tri tại các huyện, thị xã, thành phố đề cập và đây là nguyện vọng chính đáng, cần được các cấp, các ngành quan tâm, giải quyết.

Nhiều tuyến đường do địa hình miền núi, hiểm trở, độ đốc lớn, mưa lũ diễn biến phức tạp thường xuyên gây sụt sạt, hư hỏng.

Quá nửa đường huyện, đường xã vẫn là đường cấp phối và đường đất

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên, hệ thống giao thông đường bộ có tổng chiều dài là 9.568,22km bao gồm: Đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường xã, đường tuần tra biên giới, đường thôn xóm và trục chính nội đồng.

Về hiện trạng, 06 tuyến đường quốc lộ với tổng chiều dài 745,43km đã được đầu tư mặt đường bê tông nhựa, bê tông xi măng và bê tông láng nhựa. Đường tỉnh với tổng chiều dài 653,9km, đường huyện là 1.161,0km, đường xã là 2.848,2km.

Tuy nhiên, gần 30% đường tỉnh, 50% đường huyện và 70% đường xã vẫn là đường cấp phối và đường đất.

Bên cạnh đó, một số tuyến đường do địa hình miền núi, hiểm trở, độ đốc lớn, mưa lũ diễn biến phức tạp thường xuyên gây sụt sạt, hư hỏng, có khi chỉ đi được vào mùa khô, gây ảnh hưởng lớn tới giao thông đi lại của người dân.

Khi thực hiện Luật Đầu tư công, hay triển khai các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, các cấp chính quyền địa phương tỉnh Điện Biên cũng rất quan tâm, đưa các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường xã vào danh mục đầu tư.

Tuy nhiên, nhu cầu thì lớn, trong khi nguồn lực còn hạn hẹp, cho nên phải bố trí theo thứ tự ưu tiên, đầu tư những tuyến đường có tính cấp bách, quan trọng trước sau đó mới đến các tuyến khác.

“Suối chảy” giữa lòng đường

Trên đường đến điểm tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tại xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, đi qua không biết bao nhiêu những “ổ voi”, “vũng trâu đằm” mới cảm nhận được sự khó khăn, vất vả của bà con nơi đây.

Đường từ trung tâm huyện Tủa Chùa đến xã Huổi Só dài khoảng 49km, trong đó có 25km đường đất và cấp phối được đầu tư từ những năm 2000, trải qua 22 năm sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng.

Tối trước hôm xuất phát, trời mưa làm Bí thư huyện Tủa Chùa lo lắng đến mất ngủ và phải xây dựng phương án dự phòng, trong trường hợp không vào được xã thì sẽ đổi địa điểm tiếp xúc cử tri ra trung tâm huyện, hẹn cử tri xã Huổi Só vào một dịp khác. May thay, Đoàn công tác qua hơn 2 giờ chạy xe với tốc độ rùa bò cũng đã đến được với bà con. Và không nằm ngoài dự đoán, nội dung kiến nghị được cử tri đề cập nhiều nhất trong hội nghị tiếp xúc cử tri đó chính là đề nghị các cấp các ngành quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, nhất là tuyến đường từ xã ra trung tâm huyện.

Qua nắm bắt thông tin, năm 2020 một phần con đường này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp đường giao thông Tả Phìn – Huổi Só – Sông Đà, vùng tái định cư huyện Tủa Chùa thuộc tuyến đường tỉnh lộ 140 với quy mô đường cấp VI miền núi, theo tiêu chuẩn TCVN 4054:2005.

Đường có có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 20,3km, tổng mức vốn đầu tư là 63.000 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương thuộc Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế – xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La giai đoạn II.

Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai, thực hiện được do vướng mắc về quy trình, thủ tục và chưa được phân bổ vốn.

Tương tự như trên, tuyến đường vào xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông cũng như vậy. Là một vùng quê cách mạng với di tích hang Mường Tỉnh, căn cứ kháng chiến quan trọng của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, chỉ cách trung tâm huyện 40km nhưng để đến được trung tâm xã bằng ô tô cũng phải mất 1,5 giờ đồng hồ.

Khó khăn nhất là đoạn từ ngã tư Phì Nhừ đi xã Xa Dung có tổng chiều dài 28,8km, trong đó có 6,8km đường đá dăm láng nhựa, còn lại 22km là đường cấp phối. Tuyến đường được đầu tư từ năm 1998, qua 24 năm khai thác sử dụng, không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên đã xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều đoạn, mặt đường bị cuốn trôi chỉ chơ lại phần đá hộc. Hệ thống rãnh dọc đã bị lấp hoàn toàn. Cống thoát nước ngang cũng đã xuống cấp, thêm vào đó cứ mỗi đợt mưa lũ lại sạt mất một số đoạn. Địa phương cũng nhiều lần khắc phục tạm thời đảm bảo thông tuyến nhưng vào mùa mưa đường lại bị cuốn trôi do độ dốc quá lớn.

Hiện tại, tuyến đường này đã được đưa vào danh mục dự án đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Đường xá thế này thì trồng được cây lúa, củ khoai cũng không biết bán cho ai
Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều các con đường đau khổ trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Giao thông khó khăn, không chỉ tác động đến nhu cầu đi lại của người dân mà còn ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo của tỉnh nói chung, các địa phương nói riêng.

Qua đi tiếp xúc cử tri tại xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa và xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, hạ tầng giao thông kém phát triển, xa trung tâm, với lối canh tác thủ công, trông chờ vào thời tiết, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là tự cung, tự cấp… đương nhiên sẽ kéo theo kinh tế – xã hội khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

“Đường xá như thế này mà yêu cầu phát huy nội lực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo thì quả thực quá khó khăn. Bà con nhân dân sản xuất ra cây lúa, củ khoai cũng không biết bán cho ai”, đại biểu băn khoăn.

Cần quan tâm tới nguyện vọng chính đáng của người dân

Bên cạnh việc quan tâm, đầu tư, hiện đại hóa các tuyến đường giao thông nhằm liên kết các vùng, miền như cao tốc Bắc – Nam, đường Hồ Chí Minh, các đường vành đai, đề nghị các cấp, các ngành cần quan tâm bố trí nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, đáp ứng nhu cầu đi lại tối thiểu cũng như tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của bà con nhân dân.

Đây là nguyện vọng chính đáng, từ thực tiễn người dân đặt ra để phát huy nội lực của chính họ và là giải pháp xóa đói giảm nghèo bền vững nhất, hiệu quả nhất.

Mặt khác, cần quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình, dự án phát triển hạ tầng giao thông tại các địa phương để các con đường dần được hiện thực hóa một cách nhanh chóng nhất.

Qua các bài phát biểu tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cũng đã nhiều lần đề cập, cần phải quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm cho bà còn miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

“Khi có đường, có điện, văn minh sẽ tới, tự bà con sẽ thay đổi, vươn lên thoát nghèo”, đại biểu khẳng định.