Chuyện về chú voi Khăm Pun

Hơn một tháng nay, dưới chân núi Chư Minh, thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Y Phôi Niê cùng các bạn trong nhóm săn túc trực ngày đêm chăm sóc và thuần dưỡng chú voi con họ mới bắt được trong rừng Ea Súp (Đắc Lắc). Sau 4 lễ cúng, nay chú voi con đã biết nghe hiệu lệnh của con người vàđược đặt tên là Khăm Pun.

Cuộc đi săn cuối năm

Vốn là những thợ săn voi kỳ cựu của xứ sở săn voi Bản Đôn xưa, nay là xã Krông Na (Buôn Đôn), lại có sẵn voi nhà nên khi nghe tin gần đây đàn voi rừng liên tiếp xâm nhập phá phách khu vực sản xuất của bà con các xã Ea Rốc, Cư Mlan, Ea Chi Lây ở huyện Ea Súp, bốn chủ voi gồm Y Phôi Niê (buôn Ea Rông), Y Phương Byă (buôn Giang Lành), Y Thót Siu và Y Lanh Niê (buôn Ea Mar) rủ thêm 4 người nữa, tạo thành 4 cặp dùng 4 voi nhà đi săn voi. Trước khi đi, đám thợ săn phải chuẩn bị đầy đủ đồ nghề, gồm các cuộn dây Pét Pum được bện bằng da trâu và những cây sào Tăng Gơn dài chừng 3 mét làm bằng cây le già, những dụng cụ này tạo thành những cái thòng lọng, để người đi săn ngồi trên lưng voi nhà quàng vào chân sau của chú voi khi họ tiếp cận được và muốn bắt. Ngoài ra, tốp đi săn còn phải chuẩn bị đồ ăn, thức uống (chủ yếu là mỳ tôm và nước lọc) đủ cho sinh hoạt trong hai tuần đi rừng tìm voi.

Sáng sớm ngày 12-12-2006, sau lễ cúng Yàng (trời) và cúng Ngoắc Nguan (vị thần quản lý chăm sóc loài voi) tại nhà Y Lanh Niê theo đúng phong tục của những người đi săn voi, tốp thợ săn lên đường. Từ khu rừng của vườn Quốc gia Yoóc Đôn, họ đi xuyên vào vùng rừng trên địa bàn huyện Ea Súp, lần tìm dấu chân đàn voi rừng. Cứ ngày đi, đêm đến trải vỏ cây lộc vừng ngủ. Đi tới vùng rừng xã Ea Tmốt (huyện Ea Súp) họ phát hiện dấu chân đàn voi rừng và cứ thế lần theo đi sâu vào trong rừng Ia Chư Lây. Đi suốt 6 ngày, từ 12 đến 17-12-2006 đám thợ săn mới gặp được đàn voi rừng khoảng 20 con. Theo phỏng đoán của Y Thót Siu và bạn săn, thì đây chính là đàn voi đã từng gây ra những vụ phá hoa màu ở huyện Ea Súp (Đắc Lắc) và Chư Sê (Gia Lai) xảy ra từ mấy tháng trước. Theo lời của Y Thót, người có nhiều kinh nghiệm săn bắt voi và ông đã từng 11 lần bắt được voi, thì trong mấy chục cuộc đi săn voi thời ông còn là chàng trai trẻ, chưa bao giờ ông gặp được đàn voi rừng có nhiều voi con như lần này. Trong đàn, ước chừng có 7 hoặc 8 con từ 3 đến 5 năm tuổi. Khi tiếp cận đàn voi rừng, các nài voi thúc 4 chú voi nhà xông thẳng vào, cả voi và người cùng thét vang, những ngón nghề bắt voi được các nài voi thể hiện. Đàn voi rừng chạy tán loạn, những chú voi con tụt dần lại phía sau, và bị những con voi nhà áp sát.

Voi của Y Thót Siu cũng áp sát được một chú voi con chừng 4 tuổi. Nhưng con voi của Y Thót không muốn bắt chú voi con mà nó tiếp cận được, nên con voi của Y Thót đã dùng vòi đập vào chú voi con để đuổi nó chạy theo đàn. Y Thót bảo, đi săn, may mắn lắm mới gặp được voi, nhưng bắt hay không lại không phải do chủ voi quyết định, mà là do chính các chú voi nhà quyết định. Nếu chú voi nhà tìm được con voi con hợp với nó, nó đồng ý bắt thì chủ voi mới được bắt, bằng cách dùng thòng lọng quàng vào chân sau voi con. Và sau khi bắt được rồi, chính chú voi nhà ấy sẽ dắt chú voi nó muốn bắt trở về. Cũng chính vì thế mà trong 4 con voi nhà tham gia cuộc săn, cuối cùng chỉ có voi của Y Phôi may mắn gặp được con voi con nó thích, nên Y Phôi mới bắt được. Đó là chú voi đực khoảng 3 tuổi, cao 1,4 mét, dài 1,6 mét, đã có cặp ngà nhỏ. Từ địa điểm bắt được chú voi con, trong rừng Ia Chư Lây, tốp săn voi xuyên rừng trở về. Họ đi hết 3 ngày, 3 đêm (từ 17 đến 20-12-2006) mới về tới vùng rừng dưới chân núi Chư Minh, thuộc xã Krông Na. Địa điểm này được tốp săn voi lựa chọn làm nơi thuần dưỡng chú voi mà họ bắt được.

Những ngày “nuôi dạy voi”

Vùng rừng dưới chân núi Chư Minh có nhiều cây to, có hồ nước Chư Minh trong mát không bao giờ cạn kiệt. Nơi đây lại có sẵn nguồn thức ăn cho voi con, sẵn cây thuốc chữa trị vết thương cho chú voi sau khi bị săn bắt, vì vậy đây được xem là địa điểm lý tưởng cho việc thuần dưỡng voi rừng.

Ngày 24-1-2007, chúng tôi tìm vào cánh rừng dưới chân núi Chư Minh, trực tiếp xem những nài kể chuyện đi bắt voi và xem họ thuần dưỡng chú voi họ vừa bắt về. Hôm chúng tôi có mặt là phiên chăm sóc voi của cha con Y Thót Siu và Y Vel. Do hò hét trong khi đi săn và phải thức nhiều đêm liền để dạy và chăm sóc chú voi nên Y Thót mất tiếng, ông chỉ nói thều thào tiếng gió. Nhưng nhìn dáng vẻ Y Thót không hề tỏ ra mệt nhọc, ông vẫn làm những công việc chăm sóc chú voi một cách nhanh nhẹn và thuần thục. Trong cuộc đời đi săn voi của mình, Y Thót đã trực tiếp bắt và thuần dưỡng được 11 chú voi-một thành tích cũng đáng nể. Nhưng lần này thì khác, theo lời kể của Y Thót, hôm đưa chú voi họ săn được về địa điểm thuần dưỡng, ông và các bạn săn nửa mừng, nửa lo. Mừng, là sau cuộc đi săn có kết quả, họ đã bắt được chú voi đực thật xinh xắn và khỏe mạnh. Nhưng, lo vì việc làm theo phong tục truyền thống của họ nay đã bị luật pháp nghiêm cấm. Chính vì thế, khi săn được voi về, Y Thót, Y Phôi và các bạn chẳng dám tổ chức ăn mừng to tát như ông bà trước đây. Họ lặng lẽ cột chú voi dưới cây rừng, làm lễ cúng Yàng, tạ thần Ngoắc Nguan, đặt tên cho chú voi con là Khăm Pun rồi bắt đầu công việc thuần dưỡng. 8 nài voi thay nhau, mỗi ngày 2 người (một người tìm thức ăn, tìm cây thuốc; một người trực tiếp dạy voi). Trước khi bị bắt, có lẽ chú voi con Khăm Pun đã một lần sập bẫy, nên chân trước bị thương, sưng to và mưng mủ, cộng với vết thương chân sau do Y Phôi quàng thòng lọng lúc chú bị bắt, nên những ngày đầu, các nài voi phải tìm cây thuốc gia truyền, sắc lên lấy nước chữa trị vết thương ở chân cho Khăm Pun. Theo lời Y Thót, thuốc chữa trị vết thương cho chú voi không hề khó kiếm, chỉ là vỏ cây bằng lăng ổi và vỏ cây cam xe đem sắc lên lấy nước bôi vào vết thương.

Hôm chúng tôi có mặt ở địa điểm thuần dưỡng chú voi Khăm Pun, thì chân trước của chú đã bớt sưng tấy, mủ đã tiêu dần; vết thương chân sau miệng đã khô và đang lên da non. Y Vel – người trực tiếp thuần dưỡng chú voi kể: “Nuôi dạy chú voi con vất vả chẳng kém phụ nữ nuôi con thơ. Mỗi đêm anh em phải thức giấc vài ba đận để cho chú ăn. Ban ngày thì túc trực suốt, vừa cho ăn, vừa dạy chú biết nghe hiệu lệnh. Những ngày đầu chú voi nhớ đàn nên ương bướng ra phết. Nhưng nay đã ngoan dần, nên đã bỏ gông chân, xâu được tai và có thể đến gần vuốt ve nó được rồi. Sau 4 tuần huấn luyện, nay Khăm Pun đã biết nghe hiệu lệnh nằm, quỳ và quay trái, quay phải”.

Cũng theo lời Y Vel, thì phải dạy hơn một tháng nữa chú Khăm Pun mới có thể hiểu hết các hiệu lệnh, khi ấy mới làm lễ nhập buôn để chú voi con này trở thành thành viên chính thức của đàn voi nhà. Cứ sau một tuần huấn luyện voi, các nài voi lại phải làm lễ cúng Yàng, cúng thần Ngoắc Nguan một lần, lễ cúng là một con gà và một ché rượu cần. Và khi thuần dưỡng xong sẽ làm lễ cúng nhập buôn. Lễ cúng nhập buôn sẽ to hơn, gồm nhiều ché rượu cần và một con heo.

Được biết, thức ăn chủ yếu của chú voi con là cây cỏ nước, được lấy ven hồ Chư Minh. Chúng tôi lấy một nắm cây cỏ nước, đưa ra trước mặt Khăm Pun, chú voi con tiến lại gần dùng vòi huơ lên lấy nắm cỏ một cách ngoan ngoãn.

Cần có biện pháp bảo vệ chú voi

Bản Đôn xưa, nay là xã Krông Na vốn là trung tâm săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng. Chính vì thế, Bản Đôn nói riêng và tỉnh Đắc Lắc nói chung là nơi có lượng đàn voi nhà khá lớn. Sau giải phóng, cả tỉnh Đắc Lắc có tới hơn 100 con voi. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đàn voi nhà ở Buôn Đôn, cũng như Đắc Lắc vơi dần. Hiện nay, toàn tỉnh Đắc Lắc còn 40 con voi, riêng xã Krông Na còn 16 con. Việc bảo tồn đàn voi nhà cũng đã và đang được tỉnh Đắc Lắc tính đến.

Mặc dù việc săn voi đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Buôn Đôn là nghề truyền thống, nhưng hiện nay voi ở nước ta là loài voi châu Á, được coi là loài động vật đặc biệt nguy cấp, quý hiếm và đã được đưa vào Phụ lục I của Công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp). Còn theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Chính phủ về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thì voi được xếp vào Nhóm 1B. Vì vậy, mọi hành vi săn, bắt, bẫy, bắn, nuôi nhốt, vận chuyển, giết mổ, buôn bán voi đều bị nghiêm cấm và xử lý theo các quy định của pháp luật. Chính vì thế, sau khi Y Phôi và các bạn săn xã Krông Na bắt được chú voi con nói trên mang về thuần dưỡng dưới tán rừng Chư Minh, cả chính quyền địa phương, cũng như cơ quan chức năng mà cụ thể là Hạt kiểm lâm vườn Quốc gia Yoóc Đôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắc Lắc rất lúng túng trong khâu giải quyết, cũng như bảo vệ chú voi này.

Ngày 20-12-2006, trong biên bản làm việc với nhóm đi săn của Y Phôi, anh Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn nhắc nhở: “Trong lúc chờ ý kiến chỉ đạo xử lý, nhóm thợ săn phải chăm sóc và nuôi dưỡng chú voi này”. Ngày 21-12-2006, ông Nguyễn Còn, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Yoóc Đôn có văn bản số 168/HKL gửi Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) báo cáo cụ thể vụ việc săn bắt voi trên và đề nghị Cục Kiểm lâm có hướng giải quyết. Ngày 5-1-2007, Cục Kiểm lâm có văn bản số 0019/KL-BTTN, gửi UBND tỉnh Đắc Lắc “về việc chỉ đạo giải quyết con voi rừng vừa bị săn bắt tại Buôn Đôn”, do Cục trưởng Hà Công Tuấn ký. Văn bản này khẳng định, hành vi săn bắt voi đều bị nghiêm cấm và xử lý theo quy định của Pháp luật.

Tuy nhiên, Cục Kiểm lâm cũng cho rằng, việc săn bắt voi trên do đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên thực hiện theo phong tục. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết. Cũng theo văn bản của Cục Kiểm lâm, trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng của tỉnh Đắc Lắc phải quản lý chặt chẽ và trợ giúp đồng bào trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc con voi nói trên. Nghiêm cấm việc mua bán, chuyển nhượng hoặc đưa voi đi nơi khác.

Như vậy cho đến thời điểm này, việc giải quyết con voi thế nào còn phải chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Còn nhớ cách đây hơn một năm, anh Ma Đe ở buôn Ea Tul, xã Ea Wel (Buôn Đôn) cũng bắt được chú voi con hơn 2 năm tuổi. Nhưng do khâu giải quyết chậm, việc chăm sóc không chu đáo, chú voi con này đã chết. Vì thế đối với con voi mà nhóm Y Phôi săn bắt trái phép này, các cơ quan chức năng tỉnh Đắc Lắc mà trực tiếp là Vườn quốc gia Yoóc Đôn phải giám sát chặt chẽ việc chăm sóc, thuần dưỡng chú voi này, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc như trước đây. Đồng thời, việc xử lý đối với những người tổ chức và tham gia đi săn cần phải có tính tuyên truyền giáo dục cao, nhằm ngăn chặn không để người dân tái diễn những cuộc săn voi sau này.