Màu đen bạc ở Gành Son

Một gành đá, một bãi biển và xóm chài thuần phác vốn đẹp như mơ, thuộc xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đất đá đỏ như son, là thắng cảnh nổi tiếng cả nước từ nhiều năm qua, đến mức cả vùng đất ấy, cả các nhà nghỉ khách sạn trên địa bàn đều “chết danh” gọi: Gành Son. Màu đỏ loang lổ, cao vòi, sửng sốt và độc nhất vô nhị tại Việt Nam của Gành Son đã khiến nhiều người cảm thấy như mình lạc vào một hành tinh đỏ xa xôi, chứa đựng xiết bao sự ngạc nhiên sửng sốt. Du khách cả nước và những tâm hồn biết say đắm với nhan sắc bí ẩn của vỏ trái đất đã thi nhau tìm đến thưởng lãm Gành đất đá đỏ rực này.

Màu đỏ loang lổ, cao vòi, sửng sốt và độc nhất vô nhị tại Việt Nam của Gành Son.

Tuy nhiên, lâu nay đang có một màu đen đúa và một sự bạc bẽo với thiên nhiên mà đất nước ông bà ban tặng đang hiện hữu. Rác, rác và xú uế nồng nặc đang giết chết một kỳ quan địa chất. Ngày 5.4.2018, tôi đã suýt nôn oẹ khi đi liều mình vào chụp những bức ảnh kèm theo bài viết này.

“Ê em kia, đừng xả rác bừa bãi”

Từ Quốc lộ 1A, trên địa bàn huyện Tuy Phong, rẽ ra hướng biển độ chục cây số, hỏi Gành Son thì ai cũng biết. Bà con tự hào xen lẫn chán nản khi chỉ đường cho chúng tôi. Ngoài vài cái nhà nghỉ tên là “Gành Son…”, thì tuyệt nhiên không có biển hướng dẫn hay báo hiệu gì. Lối vào cũng bé tẹo và nó đích thị là một bãi rác thối tha ngoài mọi sức tưởng tượng, trên đó có vài ngôi mộ bê tông hổng hoác, không biết đang xây dở thì hết tiền hay nó đã được đào di chuyển hài cốt/ quan tài đi đâu. Lũ dê nhà loang lổ khoang trắng khoang đen cứ thõng tai đứng ăn rác. Tôi đi đến đâu, ruồi nhặng bỏ chạy nháo nhào, rồi dê cỏn ngơ ngác trốn đến đó. Hỏi thăm đường, bà con chỉ ra phía bãi rác. Nhiều hộ dân sống sát Gành Son, nhảy một cái là rơi xuống mênh mông cát và sóng biển, khi được hỏi, họ đều tỏ vẻ bất bình với việc biến khu vực có thắng cảnh nổi tiếng quốc gia thành bãi rác.

Bịt mũi cắm chân và giày xuống cát lún bẩn thỉu, chúng tôi chạy ra phía màu đỏ mê hoặc của Gành Son. Thoạt trông thì hơi thất vọng, vì màu sắc lộng lẫy trong các bức ảnh chụp lúc hoàng hôn hay bình minh của Gành Son không giống lắm Gành Son trong nắng nỏ đương trưa mà khách lãng du lại đang bịt mũi. Núi xám hơn so với tưởng tượng. Biển bẩn hơn ngàn lần so với biển miền Trung huyền thoại. Có dấu hiệu vui là sát Gành Son, ở cuối bãi biển có một cái quán hàng sạch sẽ dựng trên đá. Lúc mùa hè cao điểm du lịch, nơi này sầm uất. Cũng vì thế mà ngoài rác sinh hoạt kinh tởm ra, thì tôi còn có thể nhận ra nhiều rác do du khách xả thải vô trách nhiệm. Giày dép cũ, chai nước, vỏ hộp sữa chất thành đống cao. Gia đình bà Hạnh sống gần Gành Son nhất bảo: Khách đến từ khắp nơi, họ thích gió biển và hàng trăm con thuyền thúng xếp chi chít dọc bãi biển, nên họ đòi ngủ lại nhà ông bà. Ông bà cho ăn ngủ không tính phí, chỉ hơi lo lắng, ngộ nhỡ họ không phải người tốt mà trộm cướp trấn lột chủ nhà thì sao. “Tôi bảo họ đừng vứt trộm rác lấp hết lối đi của chúng tôi, đừng đầu độc bao nhiêu hộ gia đình sống sát biển, đừng để tui phải xấu hổ với du khách khi họ bịt mũi và chán ghét nơi này. Tôi nói, họ không nghe thì tôi chửi. Nhưng kệ, họ vẫn lén vứt lúc tối trời”, bà Hạnh buồn bã kể.

Trăm ngàn xú uế, đại dương mênh mông bước đầu vẫn còn bao dung được. Biển gột sạch mọi đen bạc của con người. Gành Son đứng dầm chân trong cát biển, nước mưa từ đỉnh đồi cao màu đỏ ối của Gành Son đổ thẳng ra biển. Lội cát biển đứng trước các mỏm đá lớn của Gành, bạn sẽ ngửa cổ ngắm chất đất đá trắng ngà, trong veo hoặc đỏ ối đến rơi mũ khỏi đầu. Một “dãy núi” chất ngất với màu sắc sặc sỡ, lộng lẫy, như một hành tinh khác vừa hạ cánh toạ lạc ven biển Tuy Phong.

Quả thật, đến đây bạn mới thêm một lần tin vào sự kỳ diệu của vỏ trái đất. Tại sao đất đá ở đây lại đỏ? Bà con lý giải bằng hàng nghìn huyền thoại cổ tích khác nhau. Ông Dương Công Nhựt, Phó Chủ tịch UBND xã, ngồi gió lộng tại trụ sở, ngay ô cửa nhìn ra, dưới chân toà nhà là sóng vỗ ì oạp, biển xanh mơ và thuyền thúng nằm úp lơ mơ ngơi nghỉ. Ông bảo: Chuyện ngoài lề nhé, bà con kể, ở xã trong kia có một vị quan lại chức quyền đầy mình, khi ngài chết, mới di chúc lại cho con là chôn ông ở vị trí thật phong thuỷ, có đất đỏ đẹp như son môi thiếu nữ. Người con lười đi tìm, chôn ông ở một chỗ không đắc địa. Ông buồn lắm, cuồng quẫy, biến thành con rồng thần kỳ, dũi đất trổ ra bờ biển, húc lên một gành đá. Quá uất ức, máu rồng thiêng đổ ra, nhuộm đỏ ối cả vùng biển này. Từ đó Gành Đá đỏ như son rộng khắp bờ biển xuất hiện. Bà con tin đây là địa điểm cực kỳ linh thiêng. Gành có hai phần hòn là Hòn Ông và Hòn Bà. Cạnh Gành có một ngôi chùa tên là Thanh Minh và các bãi đá đẹp, nhưng huyệt địa thiêng nhất trong tâm thức của bà con vẫn là nơi có hai hòn đá chênh vênh chồng lên nhau. Qua bao bão táp phong ba, hòn đá không hề rơi đổ. Bà con tin là có thần linh nâng đỡ hai hòn đá đó, bằng một sức mạnh không thể lý giải nổi. Vào mùa lễ hội, đặc biệt là dịp 23 tháng chạp, nhằm ngày Ông Công Ông Táo, bà con trong vùng rước lễ vật từ thôn qua Gành Son, đi khoảng 1km thì đến chùa. Xa xa là các cánh quạt khổng lồ và hiện đại của khu vực sản xuất điện gió Bình Thuận.

Đến khoảng những năm 1990 của thế kỷ trước, có đoàn nghệ sĩ diễn viên về đây thực hiện bộ phim “Dấu ấn của quỷ” (đạo diễn Việt Linh, Giải B Hội Điện ảnh VN, năm 1993). Quả thật, ở góc nhìn nào đó, “hành tinh đỏ” kỳ dị này có gì đó dễ liên tưởng đến chuyện thần thoại hoặc dấu ấn nào đó của quỷ. Nhưng nó rất đẹp. Anh Kiên, là người thôn Hạ Thiết 1, xã Chí Công, hiện đang bán quán nước ở đầu Gành luôn tự hào khi kể về những ngày quán chật ních toàn du khách trong và ngoài nước.

Gành Son từng đỏ và đẹp hơn cả hiện tại rất nhiều. Các chuyên gia đã về đây nghiên cứu, nhiều doanh nhân có tầm nhìn đã từng đề xuất làm một cái resort ven biển, với trung tâm thắng cảnh là Gành Son tuyệt mỹ, biển ru cát trắng bời bời. Tuy nhiên, Gành Son cũng từng bị gọt đẽo làm cho xấu đi rất nhiều, do bà con lấy son đỏ về hoà thành nước sơn quết lên cho ngôi nhà luôn ao ước đỏ đắn lộng lẫy của mình. “Hồi đó chưa phổ biến thói quen dùng sơn công nghiệp sơn nhà bền, đẹp mà tiện dụng như bây giờ. Vôi thì đắt đỏ và cũng không có được màu đẹp như của Gành Son. Bà con ra đào đất đá ở Gành Son về sơn nhà. Chính nhà tôi cũng sơn bằng “son” của Gềnh. Sau này có một người bị chết vì leo lên núi, chui vào hang đào son của Gành, nên việc đó mới chấm dứt dần”, ông Nhật nói.

Lãnh đạo xã Chí Công nói thẳng: Ai biết thì tìm đến, chứ chưa có dịch vụ du lịch nào về Gành Son. Không biển chỉ dẫn, không ai dọn dẹp, chỉ có đoàn thanh niên xã thỉnh thoảng phát động phong trào dọn rác rưởi, cắm vài cái biển “Hãy cho tôi rác”, hoặc “Ê, em kia, đừng xả rác bừa bãi”. Phải nói đây là cái biển vận động ngộ nghĩnh và đáng xúc động giữa cơ man nào là rác của khu vực Gành Son. Song, dù thế nào thì nỗ lực của các bạn trẻ yêu quê hương cũng chỉ như muối bỏ biển.

Rác thải bừa bãi ở Gành Son.

Đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận tìm một lối ra cho thảm cảnh!

Theo Phó Chủ tịch xã Dương Công Nhật, dường như chưa có lối ra nào cho việc biến khu vực thắng cảnh thành bãi rác kinh tởm. Tất cả mới ở mức đề xuất.

Các thôn Hà Thuỷ 1, 2 và 3 ở gần nhau. Xã có cả 2,3 vạn người. Dân số quá đông, xe rác của cơ quan thu gom thì chỉ vào được các đường lớn. Đường nhỏ của thôn Hà Thuỷ 1 và 2, nơi Gành Son toạ lạc, nhiều khu vực xe rác vẫn chưa vào được. Công ty thu gom rác chuyên nghiệp tỏ ra bất lực trước núi rác của khu vực này. Bằng chứng là rác lấp kín lối vào thắng cảnh, đoàn du khách người thì nôn oẹ, người thì kinh hoàng đến tận vài tiếng sau khi đã chia tay thắng cảnh mơ mộng. Tôi ra khỏi Gành Son, trở về về buộc phải tắm giặt và cọ rửa giày dép vì bẩn thỉu. Đau xót hơn là đi vào lòng của Gành Son, ở cự ly gần, núi “như của hành tinh đỏ” chất ngất, quá đẹp. Vẻ đẹp tuyệt vời ấy như tương phản tê tái với thế giới rác bẩn thỉu đen bạc kia! Người ta còn phóng uế tại chân của “hành tinh đỏ”, gia súc được chăn thả với cơ man nào là chất thải đen kịt…

Cán bộ địa phương cũng thừa nhận: Mùa nồm, rác mênh mông của các xã lân cận còn trôi về khu vực biển Gành Son, tiếp thêm sự bẩn thỉu. Bà con địa phương cũng mạnh ai người nấy tống rác xuống Mẹ Biển. Còn rác lưu cữu của khu vực thì cần thời gian dài, cần một dự án hoặc một bàn tay thép quyết liệt mới cứu nổi thắng cảnh độc nhất vô nhị của Việt Nam kia. Thực tế là khách đến Gành Son tắm biển và thưởng lãm ngày càng nhiều, “nàng công chúa áo đỏ” đang ngủ trong rừng, đang bị đối xử tàn tệ ngoài sức tưởng tượng. Người địa phương có lương tâm cho biết, họ xấu hổ vì điều này!

Lãnh đạo xã Chí Công đề xuất: Khi đơn vị thu gom hiện nay không làm hết bổn phận, địa phương đang tính đến việc cần có cơ chế thu gom rác “xã hội hoá” với mức tiền đóng góp cao hơn một chút. Như thế may ra xử lý được “ung nhọt rác của Gành Son”. Lúc lễ tết, rác nhiều, xã còn thuê thêm hai xe ben đến chở rác đi tiêu huỷ, nhưng không xuể. Xã sẽ cho người đi học hỏi mô hình ở các xã đã làm tốt mô hình kiểu này. Để rồi sẽ có lực lượng thứ hai đi lên các quả đồi, các cụm cư dân tự phát để gom rác lưu cữu và rác sinh hoạt thường nhật ở các khu vực xe rác của công ty đang bao thầu việc vệ sinh môi trường không “vươn tay” tới được. Nhưng, phương pháp đơn giản nhất bây giờ là bàn tay cứng rắn của địa phương để chấn chỉnh đơn vị thu gom rác, yêu cầu họ không “bỏ rơi” địa bàn để rồi xú uế xâm hại nghiêm trọng một báu vật thiên nhiên nổi tiếng Việt Nam. Thực tế là xe ô tô dài 5,2m của chúng tôi vào được đến vị trí bãi rác, quay đầu ngon ơ, vậy tại sao xe thu gom rác chuyên dụng không vào được? Ở Hà Nội người ta phải đi xe đạp vào các ngõ nhỏ gom rác ra điểm tập kết thì sao? Có phải cán bộ cơ sở đang ngụy biện cho lối làm việc tắc trách nào đó với tầm nhìn hạn hẹp của những người liên quan?

Cơ man nào là rác ở Gành Son.

Giải quyết vấn đề dớ dẩn của một bãi rác đang ụp lên thắng cảnh tầm quốc gia và khu vực, là điều đơn giản đến mức, tôi nghĩ là bài báo này không cần phải có thêm lời đề nghị quá gay gắt với UBND tỉnh Bình Thuận nữa. Đó là việc nên làm, nó thể hiện tầm nhìn của người cán bộ biết trân trọng và có tấm lòng muốn đánh thức các giá trị quý của trời đất ban tặng quê hương mình.