Chính sách đất ở, đất sản xuất vùng đồng bào DTTS Tây Bắc – Bài 4: Bát Xát (Lào Cai) Hiệu quả của việc giao đất, giao rừng

Việc thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bát Xát, Lào Cai đã và đang tạo bước chuyển căn bản trong quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng.

Huyện Bát Xát (Lào Cai) có 70.500 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên, với 51.900 ha. Khi mới thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, việc triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập. Dù được chính quyền các cấp quan tâm, nhưng khoảng 10 năm trước, do trang – thiết bị kỹ thuật lạc hậu, nên nhiều diện tích đất lâm nghiệp, diện tích rừng đã giao nhưng chưa được xác định cụ thể trên bản đồ và ngoài thực địa. Hồ sơ giao đất, giao rừng thiếu nhất quán và quản lý chưa chặt chẽ, dẫn đến công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng không hiệu quả như yêu cầu đặt ra. Tình trạng xâm hại rừng, phá rừng vẫn diễn ra. Đời sống của người dân làm nghề rừng, sống gần rừng gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2017 đến nay việc giao đất giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số đã đúng và trúng tạo lên hiệu quả rõ rệt trong việc quản lý và bảo vệ rừng.

Bát Xát là một trong những huyện của tỉnh Lào Cai thực hiện hiệu quả chính sách giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Xã Dền Sáng một trong những xã có diện tích rừng lớn của huyện Bát Xát, trao đổi về về thực trạng bảo vệ, quản lý rừng với người dân cách đây 10 năm, chúng tôi thấy rõ sự bức xúc của bà con. Xã Dền Sáng có tổng diện tích rừng 2.778 ha, chiếm 68% diện tích đất tự nhiên của toàn xã. Trước đây, thực hiện Thông tư 102/2006/TT-BNN, cơ quan chức năng đã giao đất cho các hộ gia đình ở xã Dền Sáng nhưng sai chủ rừng. Cụ thể, đất rừng là của cộng đồng dân cư từ bao đời nay, nhưng khi giao khoán, địa phương lại chỉ chọn một số hộ đứng tên, nên gây thắc mắc và mâu thuẫn về quyền lợi trong nhân dân. Năm 2013, việc thực hiện công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cũng bộc lộ rõ sự bất cập. Cả thôn bảo vệ rừng, nhưng chỉ có một số hộ được nhận tiền khoán bảo vệ. Năm 2017, bức xúc này được tháo gỡ khi UBND huyện Bát Xát phối hợp với Trung tâm Tư vấn quản lý bền vững Tài nguyên và Phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) thực hiện công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng đúng chủ. Kết quả, có 5 cộng đồng dân cư thôn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với 765,2 ha. Nhờ đó, rừng Dền Sáng đã xanh hơn và quyền lợi từ bảo vệ rừng cũng được chia sẻ công bằng đến người dân trên địa bàn.

Ông Lý Vần Củi, Trưởng thôn Dền Sáng, xã Dền Sáng cho biết: Từ khi rừng được giao cho cộng đồng dân cư thôn thì công tác quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn trước rất nhiều. Việc bảo vệ rừng của cộng đồng thôn được thực nghiêm túc bởi các quy định, hương ước do cộng đồng đưa ra. Thôn đã thành lập tổ bảo vệ rừng và chia thành 4 nhóm hộ, tổ chức tuần tra định kỳ và đột xuất nhằm bảo vệ diện tích rừng được giao. Cả thôn Dền Sáng hiện có 84 hộ được giao quản lý 122,7 ha rừng.

Để công tác giao đất, giao rừng hiệu quả hơn, thời gian gần đây, huyện Bát Xát đã cụ thể hóa các văn bản, hướng dẫn của trung ương và của tỉnh để tuyên truyền, triển khai tổ chức thực hiện, đặc biệt là xác định lại thông tin để giao đất, giao rừng đúng chủ. Đến nay, Bát Xát đã giao đất, giao rừng (đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng) cho 18 cộng đồng dân cư quản lý, với trên 1.170 ha. Tổng diện tích đất lâm nghiệp đã giao và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đạt trên 16.000 ha; thực hiện khoán bảo vệ trên 39.650 ha rừng tự nhiên, khoanh nuôi tái sinh trên 1.000 ha rừng. Sau khi được giao đất, giao rừng, người dân và cộng đồng dân cư có ý thức tự chủ với tài sản được giao, có trách nhiệm hơn trong quản lý và sản xuất, hạn chế tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép. Việc phát triển kinh tế từ rừng cũng hiệu quả hơn. Những khu vực giáp ranh, rừng đầu nguồn giao cho cộng đồng dân cư được bảo vệ tốt, giúp tỷ lệ che phủ của rừng tăng từ 54,9% (năm 2015) lên 56% (năm 2017) và 58 % vào năm 2021, đặc biệt, chất lượng rừng cũng được nâng lên rõ rệt.

Đồng bào dân tộc thiểu số tại Lào Cai được hưởng lợi từ rừng nhờ Chính sách giao đất, giao rừng, do đó rừng cũng được chăm sóc và bảo vệ tốt hơn.

Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách bảo vệ và phát triển rừng ở một số xã vùng cao còn chậm. Nhiều diện tích đất rừng đã giao cho các tổ chức, cá nhân nhưng chưa được quản lý chặt chẽ, vẫn để xảy ra trường hợp sử dụng không đúng mục đích… Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai kịp thời các chính sách về bảo vệ và phát triển rừng đến từng hộ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, phân loại rừng, xác định ranh giới các loại rừng, giải quyết triệt để các vướng mắc về ranh giới giữa các chủ rừng…

Ông Trần Văn Hùng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát( Lào Cai) cho biết: Việc giao đất lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, sử dụng đã tạo bước tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và rừng trên địa bàn huyện đã thực sự có chủ. Trên diện tích rừng được giao, các nhóm hộ, hộ gia đình được hỗ trợ kinh phí từ chính sách dịch vụ rừng, được sử dụng cây ngoài lâm sản trong sinh hoạt. Về lâu dài, người dân được quyền khai thác khi sản lượng gỗ vượt tiêu chuẩn đề ra. Cùng với đó, nhờ việc bảo vệ rừng, nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của địa phương cũng sẽ được đảm bảo…