Khủng hoảng khí hậu có thể thúc đẩy các đại dịch trong tương lai

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng sẽ có ít nhất 15.000 sự kiện lây nhiễm virus giữa các loài trong vòng 50 năm tới. Cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ thúc đẩy một “thảm họa tiềm ẩn” về các bệnh lây nhiễm nguy hiểm với con người và động vật, gia tăng nguy cơ bùng nổ các đại dịch trong tương lai.

Khi Trái đất nóng lên, nhiều loại động vật phải di chuyển đến nơi khác để tìm môi trường sinh sống phù hợp. Chúng mang theo kí sinh trùng và mầm bệnh, lây lan sang các loài chưa từng tiếp xúc trước đây. Điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh từ động vật sang người, có thể dẫn đến một đại dịch khác nghiêm trọng như COVID-19.

Dơi đóng vai trò quan trọng đối với lây nhiễm dịch bệnh vì chúng có khả năng di chuyển trên quãng đường dài. Nguồn: The Guardian

“Khi thế giới thay đổi, dịch bệnh cũng sẽ thay đổi”, Gregory Albery, chuyên gia về sinh thái dịch bệnh ở Đại học Georgetown (Hoa Kỳ) và đồng tác giả của công bố trên Nature cho biết. “Nghiên cứu này cung cấp những bằng chứng rõ ràng cho thấy các thập kỷ tới không chỉ nóng hơn mà còn nhiều bệnh tật hơn”.

Albery nhận định biến đổi khí hậu “đang làm lung lay cốt lõi của các hệ sinh thái”, dẫn đến sự tương tác giữa các loài có khả năng lan truyền virus. Ông cho biết ngay cả hành động quyết liệt để giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu hiện nay cũng không đủ để ngăn chặn nguy cơ xảy ra các sự kiện lây nhiễm.

“Đây là thực tế đang diễn ra, và không thể ngăn chặn được ngay cả trong những kịch bản biến đổi khí hậu tích cực nhất. Chúng ta cần đưa ra các biện pháp xây dựng cơ sở hạ tầng y tế để bảo vệ con người và các quần thể động vật”.

Nghiên cứu cho biết có ít nhất 10.000 loại virus có khả năng lây nhiễm sang người đang “âm thầm” lưu hành trong các quần thể động vật hoang dã. Trước đây những trường hợp lây nhiễm chéo như vậy hiếm khi xảy ra, nhưng giờ đây, môi trường sống bị phá hủy ngày càng nhiều do hoạt động nông nghiệp và mở rộng đô thị, khiến con người tiếp xúc nhiều hơn với động vật nhiễm bệnh.

Biến đổi khí hậu khiến tình trạng này thêm trầm trọng, bằng cách thúc đẩy lan truyền dịch bệnh giữa các loài trước đây không tiếp xúc với nhau. Nghiên cứu dự báo đến năm 2070, phạm vi địa lí của 3139 loài động vật có vú sẽ thay đổi do biến đổi khí hậu và sử dụng đất, đồng thời sẽ có ít nhất 15.000 sự kiện lây nhiễm chéo giữa các loài liên quan đến một hoặc nhiều loại virus.

Dơi đóng vai trò quan trọng đối với sự lan truyền dịch bệnh vì chúng có khả năng di chuyển trên quãng đường dài. Người ta đã nghi ngờ một con dơi bị nhiễm bệnh ở Vũ Hán (Trung Quốc) là nguyên nhân khởi đầu đại dịch COVID-19 và nghiên cứu trước đó ước tính có khoảng 3200 chủng coronavirus đã lưu hành trong các quần thể dơi.

Nghiên cứu mới cảnh báo rằng nguy cơ bệnh tật do khí hậu không chỉ là vấn đề của tương lai. “Điều bất ngờ mà chúng tôi nhận thấy rằng quá trình chuyển đổi sinh thái này có thể đang xảy ra, và việc giữ mức nóng lên dưới 2°C trong thế kỷ sẽ không làm giảm nguy cơ lan truyền dịch bệnh trong tương lai”, theo công bố.

Phần lớn nguy cơ dịch bệnh tập trung ở các khu vực có địa hình cao ở châu Phi và châu Á, tuy nhiên, việc theo dõi sự phát triển của một số loại virus sẽ gặp khó khăn do thiếu giám sát. “Sự thay đổi lớn này đang diễn ra trong các hệ sinh thái nhưng hầu như không được quan sát”, Colin Carlson, một đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.

“Kết quả nhấn mạnh rằng chúng ta bắt buộc phải ngăn chặn sự lây lan mầm bệnh”, theo Aaron Bernstein, giám đốc lâm thời của Trung tâm khí hậu, sức khỏe và môi trường toàn cầu tại Đại học Harvard. “Vaccine, thuốc và xét nghiệm rất cần thiết nhưng nếu không đầu tư vào ngăn chặn đại dịch từ đầu, chẳng hạn bảo tồn môi trường sống, quản lý chặt chẽ việc buôn bán động vật hoang dã và cải thiện an toàn sinh học cho vật nuôi, chúng ta sẽ sống trong một thế giới chỉ có người giàu mới chịu được khi nguy cơ bùng phát dịch bệnh ngày càng tăng”.