Kinh tế hóa bảo vệ môi trường là cách làm đúng

ThienNhien.Net – Đó là khẳng định của bà Astrid Klug tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Xuân Cường sáng 10/03. Theo bà Astrid Klug, bài học kinh nghiệm của Đức cho thấy đầu tư thật sớm vào bảo vệ môi trường (BVMT) sẽ mang lại lợi ích kinh tế cao bởi khoản kinh phí bỏ ra ngay từ đầu sẽ thấp hơn rất nhiều so với kinh phí phải trả để khắc phục hậu quả môi trường.

Tại CHLB Đức ngành kinh tế rác thải là một lĩnh vực môi trường đầy triển vọng. Theo số liệu của ngành xử lý phế thải Đức, mỗi năm nước Đức tiết kiệm được hàng tỉ Euro chi phí nguyên liệu và năng lượng nhờ tái chế và sử dụng vật liệu thứ cấp. “Đầu tư vào BVMT bản thân nó cũng là làm kinh tế”, bà Astrid Klug nhấn mạnh.

Về hợp tác giữa Việt Nam và CHLB Đức, thời gian qua hai bên đã có biên bản hợp tác trong lĩnh vực môi trường, một số dự án được triển khai bước đầu đem lại hiệu quả. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường và bà Astrid Klug đã trao đổi về hợp tác trong bảo tồn đa dạng sinh học.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam là nước có đa dạng sinh học phong phú nhưng đang bị đe dọa nghiêm trọng do bị khai thác quá mức. Việt Nam mong muốn hợp tác với Đức để nâng cao năng lực, thể chế, năng lực thực thi pháp luật, chính sách về đa dạng sinh học, quan trắc đa dạng sinh học và quản lý an toàn sinh học.

Bà Astrid Klug giới thiệu về Diễn đàn đa Chính phủ về bảo tồn đa dạng sinh học của CHLB Đức với mục đích quy tụ các nhà khoa học trên toàn thế giới nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học. Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam có bốn Viện Nghiên cứu với trên 100 Tiến sĩ sẵn sàng tham gia vào Diễn đàn này.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề được hai bên bàn thảo sôi nổi. Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường là nền kinh tế lớn trên thế giới Đức có vai trò quan trọng và trách nhiệm lớn bởi BĐKH liên quan đến sự phát triển của toàn cầu. Năm 2008, Việt Nam đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH. Trong giai đoạn đầu (2008 – 2010) trọng tâm của Chương trình là: Xây dựng thể chế, chính sách, quan trắc, lồng ghép các vấn đề BĐKH vào chương trình bảo vệ môi trường; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH… Tuy nhiên, do tiềm năng kinh tế chưa cao nên nhân lực phục vụ lĩnh vực này còn yếu. Vì vậy hai bên có tiềm năng hợp tác lớn về khoa học – kỹ thuật, đào tạo công nghệ và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực này.

Kết thúc buổi làm việc hai bên nhất trí mở rộng thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và BĐKH. Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường giao Tổng Cục Môi trường và Vụ Hợp tác quốc tế là đầu mối tổng hợp và cụ thể hóa các nội dung hợp tác. Trong chuyến làm việc của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam tại Đức vào tháng 6 năm 2009, Bộ sẽ đưa ra một Chương trình hợp tác cụ thể.