Trung Quốc xây đập thủy điện bằng công nghệ in 3D, không cần đến nhân công

Trung Quốc đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng đập thủy điện trên cao nguyên Tây Tạng bằng công nghệ in 3D mà không cần tới bàn tay con người.

Dự án nhà máy thủy điện Yangqu cao 180 mét được xây dựng bằng trí tuệ nhân tạo (Al). Cụ thể, Al sẽ điều khiển máy xúc không người lái, xe tải, máy ủi,… theo quy trình sản xuất được sử dụng trong công nghệ in 3D.

Dự án này được khởi công vào cuối năm ngoái tại Tây Tạng, Thanh Hải, Trung Quốc. Theo nhà khoa học đứng đầu dự án, ông Liu Tianyun, công nghê xây dựng đập Yangqu và in 3D “giống hệt nhau về bản chất”.

Đập thủy điện Yangqu trên cao nguyên Tây Tạng được xây dựng bằng công nghệ in 3D mà không cần tới bàn tay con người. (Ảnh: Weibo)

Bước đầu tiên, Al sẽ “cắt” mô hình đập thủy điện trên máy tính thành các lớp và chỉ đạo thiết bị thực hiện việc xây dựng theo từng lớp. Theo sự điều khiển của hệ thống máy chủ trung tâm, máy xúc không người lái cùng các xe tải tự động vận chuyển vật liệu phù hợp đến đúng địa điểm, sau đó quá trình xây dựng sẽ được thực hiện tự động.

Theo các nhà khoa học, công đoạn duy nhất được con người thực hiện thủ công là khai thác đá từ ngọn núi gần công trình.

Dự án đập Yangqu dự kiến hoàn thành vào năm 2024 và cung cấp gần 5 tỷ kWh điện mỗi năm từ thượng nguồn sông Hoàng Hà đến Hà Nam – nơi sinh sống của 100 triệu dân.

Điện sẽ đi qua một đường dây điện cao thế dài 1.500 km được xây dựng dành riêng cho việc truyền tải năng lượng xanh.

Ông Liu cho biết, sau nhiều năm thử nghiệm và phát triển, công nghệ in 3D ở Trung Quốc có thể áp dụng để xây dựng các cơ sở hạ tầng lớn và sẽ “giải phóng con người khỏi những nhiệm vụ nặng nề, công việc lặp đi lặp lại và nguy hiểm”.

Các kỹ sư xây dựng ở Trung Quốc vốn không xa lạ gì với AI – công nghệ này được sử dụng để xây dựng con đập lớn thứ hai thế giới Baihetan trong 4 năm. Tuy nhiên, cho đến nay trí tuệ nhân tạo thường chỉ đóng vai trò điều phối trong các dự án.

Các thử nghiệm công nghệ Al trong dự án xây dựng cho thấy máy móc thông minh có thể làm việc tốt hơn con người, “đặc biệt là trong một số môi trường khắc nghiệt và nguy hiểm”.

Một ưu điểm khác của trí tuệ nhân tạo là chúng không phạm phải những sai lầm của con người như: giao vật liệu đến sai vị trí, không thể đọc bản thiết kế kỹ thuật một cách chính xác. Máy móc cũng có khả năng làm việc tốt ở những địa điểm có thể đe dọa tính mạng và không bị kiệt sức sau khi làm việc liên tục.