Đồng Nai: Gần 1.000ha đất chuẩn bị biến thành… sân golf

Trong khi dư luận đang "nóng" về việc ồ ạt lấy đất nông nghiệp làm sân golf thì ở Đồng Nai vẫn tiếp tục chấp thuận về mặt chủ trương cho làm thêm 3 sân golf nữa với tổng diện tích gần 1.000ha đất. Trong khi đó, tỉnh này đã có hai sân golf lớn với diện tích 560ha.

Du lịch sinh thái hay khu đô thị đều kèm… sân golf

Trả lời chất vấn của Lao Động, Sở Kế hoạch đầu tư (KHĐT) Đồng Nai cho hay, UBND tỉnh này đã chấp thuận chủ trương cho đầu tư 3 dự án sân golf với diện tích lên đến gần 1.000ha.

Ba dự án mới bao gồm dự án khu du lịch sinh thái kết hợp sân golf rộng 250ha (110ha làm sân golf) do Câu lạc bộ Xanh làm chủ đầu tư tại xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch). Hiện chủ đầu tư đang chuẩn bị khảo sát, lên kế hoạch. Tiếp đó là dự án Cụm KCN đô thị dân cư kết hợp sân golf rộng 643ha tại xã Phước Bình (huyện Long Thành) do Công ty Phước Gia làm chủ đầu tư.
Hiện các bên liên quan đang nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 1/500. Cuối cùng là dự án sinh thái và sân golf rộng 130ha tại xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch) do Công ty TNHH 1 thành viên Tín Nghĩa làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư cũng đang nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết.

Hiện Đồng Nai có 2 sân golf đang hoạt động gồm sân golf Long Thành (328ha được đánh giá là sân golf tốt nhất Việt Nam hiện nay) và sân golf Sông Mây (242ha). Như vậy, nếu 3 sân golf trên thành hiện thực thì Đồng Nai sẽ có 6 sân gofl với tổng diện tích gần 1.600ha.

Chủ yếu lấy đất kém hiệu quả?

“3 dự án này là chủ trương của UBND tỉnh, đã được các ban ngành tham mưu và thống nhất. 3 dự án, có một phần là vùng bán ngập và đất trồng lúa 1 vụ. Mà lúa 1 vụ, đất bán ngập thì làm sao có hiệu quả bằng… Vì vậy nên không sợ ảnh hưởng tới an ninh lương thực!” – Ông Nguyễn Lục Hòa (Phó giám đốc Sở KHĐT Đồng Nai) khẳng định.

Được biết, lựa chọn sân golf – ưu tiên hàng đầu là nguồn nước (bình quân 1 sân golf 18 lỗ tiêu thụ 5.000m3 nước/ngày, tương đương lượng nước sinh hoạt cho 8.000-10.000 hộ dân). Vì vậy, không phải bỗng nhiên các nhà đầu tư chọn khu vực bán ngập, chứ không hẳn theo cách hiểu là vì vùng bán ngập không có giá trị. Tuy nhiên nếu tinh ý sẽ thấy, hầu như các dự án sân golf đã chấp thuận chủ trương đều “kèm cặp” với cụm khu du lịch, cụm đô thị…

Theo phân tích của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu (Đại học tổng hợp London) thì “cái đích” làm sân golf ở đây chẳng qua là làm tăng giá trị bất động sản ở bên cạnh nhờ tính thương hiệu của sân golf. Sân golf Long Thành là một ví dụ, theo quy hoạch, trong tổng diện tích 1.900ha thì ngoài sân golf, sẽ có khách sạn cao cấp 5 sao 22 tầng, có 1.000 biệt thự, xây dựng bến cảng tàu cánh ngầm cao tốc, xây dựng trung tâm thương mại, trung tâm y tế, siêu thị…

Xét cho cùng, là nhà đầu tư, phải bỏ tiền túi, ai cũng phải tính toán có lợi nhất. Vấn đề nằm ở chỗ, cơ quan quản lý nhà nước phải cân đối, giữa lợi ích trước mắt với cái hại về lâu dài đối với địa phương nói riêng và đất nước nói chung.

Theo phân tích của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu, sân golf tiềm ẩn nhiều hiểm họa về môi trường do sử dụng nhiều thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và nước sạch. Việc xây dựng sân golf trên thế giới đã bị các nhà khoa học và môi trường phản đối trên 50 năm nay vì phí phạm và hủy hoại tài nguyên thiên nhiên.