Hài hòa giữa khai mỏ và bảo tồn

Mỏ Ambatovy là nguồn đóng góp ngân sách chủ lực cho kinh tế Madagascar. Công ty khai thác mỏ Ambatovy cũng tự khẳng định là công ty hàng đầu trong lĩnh vực khai thác bền vững, mang lại “Không lỗ ròng” cho khu vực rừng bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai mỏ.

Một cách tiếp cận đang gây tranh cãi mang tên bù đắp đa dạng sinh học nhằm gia tăng các dự án cơ sở hạ tầng để đảm bảo “Không lỗ ròng” về mặt đa dạng sinh học. Mặc dù có nhiều kế hoạch bù đắp đa dạng sinh học, song hiện có rất ít đánh giá độc lập về hiệu quả của cách tiếp cận này.

Nghiên cứu do Đại học Bangor thực hiện công bố trên Tạp chí Nature Sustainability mới đây là một trong những đánh giá tác động hoàn toàn độc lập về sự bù đắp đa dạng sinh học. Nghiên cứu cho thấy sự bù đắp đang thật sự mang lại “Không lỗ ròng” cho các khu vực rừng bị ảnh hưởng.

Katie Devenish – nghiên cứu sinh Tiến sĩ, Đại học Bangor, tác giả chính nghiên cứu cho biết: “Ambatovy hướng tới mục tiêu bảo tồn rừng bằng cách giảm thiểu nạn phá rừng từ nông nghiệp quy mô nhỏ ở các khu vực khác, để bù đắp diện tích rừng mà họ đã chặt phá tại khu mỏ. Theo phân tích, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp này đã hồi phục được gần bằng số rừng bị mất do hoạt động khai mỏ gây ra. Ước  tính, rừng “Không lỗ ròng” đạt được vào cuối năm 2021.”

Giáo sư Julia Jones, Đại học Bangor, cho biết thêm: “Các quốc gia có thu nhập thấp như Madagascar rất cần các hoạt động khai thác thương mại để phát triển kinh tế. Thật mừng là những đóng góp kinh tế hàng chục triệu USD/năm của Ambatovy cho Madagascar dường như đã được thực hiện với những phương pháp giảm thiểu tối đa sự đánh đổi sinh cảnh rừng quý giá còn lại của hòn đảo.”

Các cánh rừng giàu đa dạng sinh học xung quanh mỏ Ambatovy. (Ảnh: Sebastien Desbureaux)

Nghiên cứu sử dụng các phương pháp tiếp cận hiện đại để đánh giá tác động chiến lược của mỏ nhằm đạt được “Không mất rừng thực”. Tiến sĩ Sébastien Desbureaux, Trung tâm Kinh tế Môi trường – Montpellier giải thích: “Hầu như không có sự chênh lệch. Có hơn 12.000 sự khác biệt về đa dạng sinh học trên toàn thế giới và chưa đến 0,05% đã được đánh giá. Việc đánh giá rất khó thực hiện vì chúng liên quan đến việc so sánh kết quả quan sát được với những gì sẽ xảy ra nếu không có sự can thiệp. Kịch bản ngược này rất khó ước tính. Chúng tôi đã nghiên cứu hơn 100 cách thay thế để chạy mô hình phân tích của mình và kết quả rất rõ ràng.”

Giáo sư Simon Willcock, Đại học Rothamsted Research & Bangor giải thích về những hạn chế của nghiên cứu: “Mặc dù chúng tôi có thể tự tin chứng minh rằng nạn phá rừng liên quan đến mỏ có thể đã được đền bù, nhưng chúng tôi không thể ước tính được tác động cụ thể lên từng loài sinh vật. Điều quan trọng cần lưu ý là người dân địa phương cũng có thể phải chi trả cho công tác cải thiện bảo vệ rừng. Chúng tôi cũng phải xét đến trường hợp điều gì sẽ xảy ra khi công ty rút khỏi khu vực đó, ngừng hoạt động bảo vệ và khôi phục khu mỏ.”

Giáo sư Jones cho biết thêm: “Bất chấp các cam kết toàn cầu, diện tích rừng nhiệt đới vẫn tiếp tục giảm đi nhanh chóng. Việc bù đắp đa dạng sinh học trong nghiên cứu chưa thể giải quyết được vấn đề này. Trên thực tế, cách tiếp cận chỉ có ý nghĩa nếu xét trên tình trạng phá rừng ở phạm vi rộng. Tuy nhiên, với hiện trạng phá rừng đang diễn ra, kết quả nghiên cứu hỗ trợ mạnh mẽ trong việc yêu cầu các mỏ khai thác và các công trình phát triển lớn khác phải đầu tư một phần vào các nỗ lực bảo tồn. Nghiên cứu điển hình này cho thấy bù đắp đa dạng sinh học có thể mang lại hiệu quả. ”

Giáo sư Simon Willcock kết luận: “Không thể kìm hãm sự phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu, vì vậy, việc tìm kiếm các chính sách để hài hòa hiệu quả giữa sự phát triển đó với nhu cầu bảo tồn môi trường sống và các loài sinh vật là rất quan trọng để tránh làm tình trạng sinh thái và khí hậu trầm trọng thêm. Khi đưa ra các chính sách nhằm giảm thiểu tác động đa dạng sinh học khỏi quá trình phát triển, chúng ta cũng cần xem xét một cách nghiêm túc xem liệu các chính sách này có thực sự mang lại hiệu quả hay không.”

Thùy Dung (Theo phys.org)

Nguồn: