Namibia vấp phải sự chỉ trích toàn cầu khi bán voi hoang dã

Tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu các bên tham gia Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) tuần trước, nhiều quốc gia đã lên án Namibia về việc xuất khẩu 22 cá thể voi rừng châu Phi.

Ảnh: Namibia đã xuất khẩu hàng chục cá thể voi rừng. Một số con đã được gửi đến một sở thú ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, điều này bị cáo buộc là vi phạm Công ước CITES.

Theo dữ liệu chính phủ Namibia chia sẻ, họ đang sở hữu hơn 24.000 cá thể voi và việc gom bán bớt là điều cần thiết để giảm xung đột voi-người, đồng thời gây quỹ cho bảo tồn và quản lý động vật hoang dã. Năm ngoái, voi đã giết chết ba người và đã có ghi nhận thiệt hại mùa màng trong những năm gần đây.

Vương quốc Anh và nhiều nước khác đã đặt nghi vấn về việc Namibia đang vi phạm Công ước CITES khi xuất khẩu những cá thể voi này. Bởi lẽ, Công ước quy định rằng voi châu Phi từ các quốc gia bao gồm Namibia không được xuất khẩu sang một quốc gia trước đây chưa từng có hoặc hiện không có voi hoang dã, trừ khi chứng minh được lợi ích bảo tồn.

Năm ngoái, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã xác định voi đồng cỏ Châu Phi là loài nguy cấp và voi rừng Châu Phi là loài cực kỳ nguy cấp. Nhiều thập kỷ săn trộm ngà voi đã gây ra thiệt hại nặng nề và hiện chỉ có khoảng 400.000 cá thể voi vẫn còn trong tự nhiên trên khắp châu Phi.

Tháng 12 năm 2020, Namibia bán đấu giá 57 con voi cho ba bên đấu giá khác nhau. 15 con đã thuộc về một khu bảo tồn thiên nhiên trong nước. Hai bên trúng thầu còn lại ở nước ngoài. Chính phủ Namibia cho biết họ không thể công bố thông tin chi tiết về điểm đến của những con voi cho đến khi hợp đồng hoàn tất. Theo đó, họ vẫn cần phải xuất thêm 20 con voi nữa.

Dù Namibia vẫn chưa công bố hay xác nhận điểm đến của những cá thể voi, , nhưng Hiệp hội Vườn thú và Thủy cung Thế giới (WAZA) đã xác nhận rằng một trong những thành viên của họ – Vườn thú Al Ain ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã mua một số cá thể voi từ phiên đấu giá này.

WAZA cho rằng việc đưa voi từ tự nhiên “mà không có nhu cầu hợp pháp về các chương trình nhân giống bảo tồn, chương trình giáo dục hoặc nghiên cứu sinh học cơ bản” được coi là vi phạm quy tắc đạo đức và phúc lợi động vật. Họ đang điều tra thực hư câu chuyện, điều này có thể khiến sở thú bị trục xuất khỏi WAZA.

Hiện cả Vườn thú Al Ain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hay đại diện của CITES, Chính phủ Namibia đều từ chối bình luận và giấu danh tính bên mua voi cũng như điểm đến của những cá thể này. Ban Thư ký CITES tại Geneva chưa có bất kỳ động thái nào phản đối Namibia và cho rằng các thành viên nên lưu ý tới các mối quan ngại này trong tương lai. Người phát ngôn của CITES cho biết: “Các bên tham gia  Công ước CITES đã đồng thuận về cơ chế để giải quyết vấn đề tuân thủ Công ước trong trường hợp một bên không tuân theo các quy tắc đã thống nhất. Bất kỳ mối quan ngại nào về vấn đề này sẽ được Ủy ban Thường vụ CITES lưu ý và đánh giá tổng thể về sự tuân thủ Công ước.”

Xem thêm: Voi hoang dã của Namibia đang bị gom bán ra nước ngoài