Giao rừng để nghiên cứu phát triển rừng, nhưng 20 năm mất hơn 2.000 ha!

Được giao đất rừng, nhưng Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã không quản lý tốt, để mất 2.000 ha rừng, đất rừng.

Các vụ phá rừng thường xuyên xảy ra ở Tây Nguyên (Ảnh: Phan Tuấn)

Tháng 12-2003, UBND tỉnh Đắk Lắk (cũ) giao 3.280 ha đất, rừng (vị trí thuộc địa giới hành chính xã Đắk P’lao, huyện Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk, nay là xã Đắk Som, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) cho Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Đến nay, sau gần 20 năm, Viện đã làm bay mất 2.000 ha, quản lý theo “chiến lược” gì mà hay ho vậy!

Chúng ta cùng xem những con số sau để suy nghĩ:

Theo kết luận thanh tra, từ năm 2003 đến tháng 1/2015 để mất hơn 1.800 ha; từ tháng 2/2015 đến tháng 12/2020 để mất hơn 230 ha.

Quản lý rừng đâu phải chỉ có Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Viện này được giao đất, giao rừng, nhưng phải có cơ quan quản lý theo dõi, giám sát và Viện phải có báo cáo hoạt động ít nhất là hằng năm. Vậy tại sao để đến gần 2 chục năm mới thanh tra, rất vô trách nhiệm.

Nếu quản lý tốt, ngăn chặn ngay từ đầu, thì không thể có chuyện mất trắng 2.000 ha rừng.

Buông lỏng quản lý đến mức, qua mấy đời lãnh đạo Viện, ông nào cũng làm mất rừng, nhưng không có bất cứ ai ngăn chặn.

Trách nhiệm cá nhân thuộc về ông Hứa Vĩnh Tùng (giám đốc viện từ 2003 – 2009), ông Nguyễn Thành Mến (giám đốc viện từ 2009 – 2021); ông Phạm Văn Trọng (trưởng Trạm thực nghiệm lâm nghiệp Đắk Plao từ 2005 đến nay).

Trong Viện đâu chỉ có một mình giám đốc, vậy thì tập thể cán bộ, nhà khoa học, người lao động ở đây đi đâu, tại sao im lặng để cho rừng bị phá, đất bị dân lấn chiếm, tại sao không ai lên tiếng tố cáo những sai phạm trong quản lý rừng của Viện.

Rừng được giao cho Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nhưng kiểm lâm, chính quyền địa phương phải quản lý. Để mất rừng, mất đất là trách nhiệm chung.

Gần 20 năm, liệu có thu hồi lại được số diện tích rừng và đất rừng đã bị mất không, quả thực là vô vọng. Rừng bị phá, đất bị chiếm, dân xây nhà cửa, giải quyết hậu quả, xử lý các sai phạm đúng pháp luật để thu hồi lại đất là việc quá khó khăn.

Rừng bị phá, gỗ chở đi tiêu thụ hết, thu hồi cách nào?

Nhưng cho dù có thu hồi lại được diện tích đất đã mất, thì cũng phải xử lý những người liên quan, nếu có căn cứ thì khởi tố hình sự. Phải làm cho rõ những ai đã tiếp tay để rừng bị phá, đất rừng bị mất.

Viện làm công tác khoa học, nghiên cứu chiến lược bảo vệ rừng, phát triển rừng, nhưng đã bày ra “chiến lược” bán đứng rừng.