Thả 12 cá thể động vật hoang dã quý, hiếm về tự nhiên

2 cá thể động vật được tiếp nhận để cứu hộ và 12 cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được thả về môi trường tự nhiên.

Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng ) vừa tiếp nhận 2 cá thể động vật để cứu hộ và thả 12 cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm về môi trường tự nhiên.

Tiếp nhận cá thể khỉ về để cứu hộ. (Ảnh: NTH)

Theo đó, với sự chứng kiến của lực lượng kiểm lâm địa bàn và chính quyền các địa phương, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng) đã tiếp nhận 1 cá thể khỉ cộc (Macaca arctoides) có trọng lượng 9 kg và 1 cá thể khỉ đuôi lợn (Macaca leonina) có trọng lượng 15 kg do người dân ở phường Đồng Sơn ( TP Đồng Hới ) và Thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch) tự nguyện giao nộp.

Được biết, tại thời điểm tiếp nhận, những cá thể động vật này đã qua thời gian tự chăm sóc, nuôi nhốt của người dân nên đã mất tập tính hoang dã và có sức khỏe yếu..

Trước đó, ngày 21/1/2022, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật phối hợp với Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã tiến hành thả 12 cá thể động vật hoang dã gồm: 2 cầy vòi hương; 1 cầy vòi mốc; 3 khỉ mặt đỏ; 5 khỉ vàng và 1 khỉ đuôi lợn sau khi đã hoàn tất công tác cứu hộ, kiểm dịch về môi trường tự nhiên tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Ngay sau khi được thả, các cá thể động vật đã nhanh chóng thích nghi và hòa nhập với môi trường.

Người dân tự nguyện giao nộp cá thể khỉ cho cơ quan kiểm lâm. (Ảnh: NTH)

Các cá thể động vật hoang dã trên là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB theo quy định tại Nghị định 84/2021/NĐ – CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ – CP của Chính Phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Trong thời gian qua, được sự tuyên truyền của các đơn vị kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương, người dân các địa phương ở tỉnh Quảng Bình đã ý thức được hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã là vi phạm pháp luật và không phù hợp với môi trường sống của chúng nên đã tự nguyện giao nộp để cứu hộ theo quy định của pháp luật.