Tận diệt cá quý sông Hồng

Trước khi công trình nghiên cứu về hiện trạng cá quý hiếm trên hệ thống sông Hồng được một nhóm nghiên cứu khoa học thuộc Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I công bố thì nguy cơ biến mất của chúng đã được người dân ven ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì) biết từ lâu lắm.

Nhưng với họ, mỗi mẻ lưới và niêu cơm hàng ngày… là những thực tế rõ ràng, thuyết phục nhất, thuyết phục hơn số phận của những loài thủy sản chỉ có trên lưu vực sông Hồng mà “nóng” nhất là cá anh vũ, giống cá tiến vua nức tiếng thuở nào.

“Gã ăn mày sông nước”

Có một căn nhà đồ sộ đang xây dở dang, sừng sững giữa làng chài Cao Đại (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), Tư là đầu nậu thu mua cá từ các thuyền chài nhỏ, sau đấy phân phối cho cả một hệ thống nhà hàng từ Việt Trì đến Hà Tây, Hà Nội. Theo chân mẹ đi đặt hàng, lựa mối, đến khi bà cụ bước sang tuổi 85, anh nghiễm nhiên được “kế thừa” những kinh nghiệm và cả những mối hàng mà bà cụ tạo dựng. Cuộc mưu sinh gắn với dòng sông, anh nói văn hoa là “ăn mày sông nước”. Tư có thể nói vanh vách về những cá lăng chấm, cá chiên, cá bống, cá anh vũ, rầm xanh, về đặc điểm, hình dạng, nết ăn nết ở, mùa sinh sản, khai thác đến cả cái cách… thưởng thức, chế biến như thế nào cho tương xứng với cái riêng của cá nước ngọt.

Nói thì đổ lỗi cho cuộc mưu sinh, song hẳn lộc giời từ nghề buôn cá hấp dẫn tới mức, anh quyết định bỏ ngang việc học hành của một sinh viên năm nhất trường Mỹ thuật Hà Nội, từ bỏ ước mơ giá vẽ, cọ bút để cầm cân, đếm cá. Bây giờ, cả mấy chị em nhà anh cũng đều buôn, người lúc nào cũng tanh, khăn khẳn mùi cá mú, phù sa đất bãi. Vài năm trở lại đây, sự khan hiếm của những loại cá được giá đã đe dọa trực tiếp đến niêu cơm của anh. Trước kia, mỗi ngày anh có thể gom tới vài tạ cá, chủ yếu là những loài cá quý như anh vũ, cá lăng, cá bống, rô vược, rô chỉ hồng, rô vàng mép… Bây giờ, một năm, may mắn lắm anh cũng chỉ lo được 30 đầu cá anh vũ theo đơn đặt hàng của khách. “Cứ đà này, tôi cũng phải tính bỏ nghề. Mỗi ngày mỗi khan hiếm cá. Sinh sản tự nhiên của chúng hàng năm không lại được với mức độ khai thác gắt gao của ngư dân. Cùng với sự “tiến bộ” trong khai thác, đánh bắt, dù là thủ công, những con cá chưa đủ tuổi cũng bị bắt đến cạn kiệt!”. Anh thở dài, đưa ra một nhận xét mà chắc hẳn các nhà khoa học phải ngạc nhiên: “Cá nước ngọt sông Hồng đang làm một cuộc “thiên di” ngược lên các cửa sông đầu nguồn để sinh sống. Con người đã dồn đuổi chúng ồ ạt tới mức, chính cả môi trường sống quen thuộc cũng không còn là địa điểm lý tưởng nữa”.

Vương quốc cá tiến vua

Theo hướng tay chỉ của một “thổ dân”, điểm giao nhau của ba con sông lớn: sông Hồng, sông Lô, sông Thao không còn ở Bạch Hạc (Việt Trì) nữa mà đã bị trôi xuôi theo dòng nước… 3 km. Đây là nơi có loài cá anh vũ sinh sống và là “địa chỉ vàng” thu hút không chỉ dân vạn chài các làng Chu Hạ, Cao Đại – những làng chài trong vùng – mà dân đánh bắt Chu Phan (Mê Linh, Vĩnh Phúc) cách đó 40 cây số cũng tìm về săn cá tiến vua. Như thế, hai làng Cao Đại, Chu Hạ bỗng nhiên được hưởng “lộc giời” mà nắm trong tay mỏ cá quý ở Việt Nam ngay “cửa ngõ” nhà mình.

Truyền rằng, vì cái sự lạ của loài cá anh vũ, một năm chỉ xuất hiện trên con sông Hồng này đúng 4 tháng tính theo lịch âm (từ tháng 4 đến tháng 8), gắn với những đặc trưng của con nước, mà nó được liệt vào loại cá quý. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, thời vua Hùng thứ 3, một ngư dân sống trên dòng Lô giang bắt được con cá lạ, mình vảy xanh óng ánh, bụng vảy trắng, vây đỏ, miệng tày như miệng lợn, mới đem dâng lên đấng quân vương. Nhà vua ăn vào thấy ngon, khác hẳn ở những loài cá thường, từ đó biệt danh “cá tiến vua” đã dành riêng cho loài anh vũ. Như vậy, tính theo lịch sử, cá anh vũ đã được người ta phát hiện từ 4000 năm trước (nghĩa là từ năm 2000 trước Công nguyên!).

Phù phép cá tiến vua

Thực trạng cạn hiếm những loài cá nước ngọt quý chỉ có trên sông Hồng có thể kiểm chứng bằng chính sự phát triển nhanh chóng của những… nhà hàng bản địa ở thành phố, ngã ba sông. Thực đơn chính của họ, ấy là cá nước ngọt, cá lăng, cá chiên, cá bống, cá anh vũ… Xuôi theo con đường cạn, những loài cá nói trên lại “bơi” về Hà Tây, Hà Nội để thỏa mãn khách hàng lắm tiền. Theo gã ăn mày sông nước mà gia sản không ăn mày tí nào, không phải khách hàng nào cũng được ăn món cá anh vũ đích thực đúng với giá trị số tiền triệu bỏ ra mua, bởi chẳng qua đó chỉ là sự “treo đầu dê bán thịt chó”. Cả mùa cá năm nay, anh mới gom chưa được… 10 con anh vũ. Cho nên, thảy những chú cá “đội lốt” kia rặt một loại cá rầm xanh – giống cá cũng sinh sống trên sông Hồng, có hình dáng tựa như nhau nhưng chỉ khác nhau về màu vảy, về độ thuôn của mình cá. Cá anh vũ mình dài, thuôn đều, màu xanh rêu khác hẳn với màu xanh đen của giống rầm xanh. Thậm chí, khi đã thành món đặt trên đĩa, những chú cá anh vũ cũng được nhà hàng “phẫu thuật” ghép khúc, đánh tráo để khỏi… phật ý khách hàng.

Trong nghiên cứu mới công bố của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, nhiều loài cá quý sông Hồng đang có nguy cơ biến mất. Sản lượng khai thác 4 loài cá chiên, cá lăng, cá anh vũ, cá bống đã  giảm xuống bằng 10-15% sản lượng những năm 70-80 của thế kỷ trước. Phạm vi sinh sống của chúng đang ngày một thu hẹp, có xu hướng lui dần về phía thượng lưu các sông suối có địa hình hiểm trở. Bãi đẻ trứng của chúng cũng không còn, do sự thay đổi của dòng chảy, sự khai thác cát dưới đáy sông và nhất là những hóa chất công nghiệp độc hại đổ ra sông Hồng. Người ta đang kỳ vọng vào dự án nuôi thí điểm các giống cá quý này trong các ao hồ, nuôi lồng… để bảo tồn nguồn gien quý hiếm. Hiện tại, 3 loài cá lăng chấm, cá chiên và cá bống đang cho kết quả khả quan. Riêng với cá anh vũ, sự hiếm hoi của chúng vẫn nằm ngoài khả năng kiểm soát của con người. Cho nên, người ta chỉ có thể bắt được cá tiến vua bằng… đánh mìn ở các vùng thượng nguồn sông, khi chúng đang trú ẩn tại các hang hốc chờ mùa nước nổi để xuôi sông Hồng về ngã ba Bạch Hạc.