Chuyên gia khí tượng: Năm 2022, nắng nóng đến muộn, đề phòng các cơn bão mạnh

Chuyên gia thời tiết nhận định năm 2022, nắng nóng xuất hiện muộn hơn so với mọi năm và khả năng không gay gắt, tuy nhiên cần đề phòng các cơn bão mạnh và phức tạp.
Nhận định về tình hình thời tiết, thiên tai năm 2022, TS.Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, năm nay, nhiệt độ trung bình các tháng đầu và giữa năm có xu hướng xấp xỉ đến thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Các tháng cuối năm nhiệt độ có xu hướng ở mức xấp xỉ đến cao hơn TBNN cùng thời kỳ.

Theo ông Lâm, trong năm 2022, nắng nóng khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình và có khả năng không gay gắt cũng như không kéo dài.

“Thông thường có thể cuối tháng 3, đầu tháng 4 sẽ có những đợt nắng nóng đầu tiên ở khu vực Nam Bộ và sau đó là Tây Bắc Bộ, nhưng năm nay chúng tôi nhận định có thể nắng nóng sẽ đến muộn hơn”, ông Lâm nói.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia.

Về tình hình bão và áp thấp nhiệt đới trong năm 2022, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) xuất hiện trên Biển Đông phù hợp với quy luật khí hậu, số lượng XTNĐ trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta xu hướng tương đương so với TBNN.

Nửa đầu mùa (tháng 6-9), XTNĐ sẽ tập trung ở khu vực Bắc và Giữa Biển Đông, khả năng ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Thời kỳ nửa cuối mùa (từ tháng 9-11), XTNĐ sẽ tập trung ở khu vực Giữa và Nam Biển Đông và ảnh hưởng đến khu vực Bắc Trung Bộ trở vào phía Nam.

“Trong năm 2022, cần đề phòng trường hợp có bão mạnh, với hướng di chuyển phức tạp do đây là năm chuyển tiếp, pha trung tính nên có nhiều diễn biến khó lường”, ông Lâm nói.

Về tình hình mưa, theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, tổng lượng mưa 6 tháng đầu năm 2022 xu hướng xấp xỉ đến cao hơn TBNN.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, lượng mưa có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt mưa nhiều hơn so với trung bình ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào tháng 7-9/2022 và từ tháng 9-11/2022 ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ.

Về xâm nhập mặn, ông Lâm cho biết, dòng chảy thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) suy giảm và thiếu hụt so với TBNN, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế gia tăng từ cuối tháng 1/2022.

Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2, tháng 3; trên sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3, 4, sau giảm dần.

“Ven biển Nam Bộ sẽ có 3 đợt triều cường cao vào các ngày cuối các tháng 10, 11, 12/2022”, ông Lâm nói.

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, các dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia dựa trên thông tin về ENSO và tham khảo thêm dự báo của các mô hình số, chủ yếu là của châu Âu.

“Các nhận định được đưa ra qua phân tích của các dự báo viên và kết hợp các phương pháp thống kê về số lượng bão, thời gian bắt đầu nắng nóng…”, ông Lâm cho hay.

Đánh giá về tình hình thời tiết, thiên tai năm 2021, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, năm 2021 nước ta đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai.

Cụ thể, năm 2021 xuất hiện tổng cộng 12 cơn bão/ATNĐ (9 bão, 3 ATNĐ). Trong đó, bão số 9 (RAI) là cơn bão mạnh nhất trong vòng khoảng 40 năm qua trên hệ thống quan trắc của Việt Nam.

Năm 2021 cũng có 21 đợt không khí lạnh; 11 đợt nắng nóng; 29 đợt mưa lớn; 16 đợt lũ tác động đến nước ra.

Lũ lụt tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên tập trung trong 3 tháng cuối năm 2021. Ngập lụt diện rộng diễn ra trong trận lũ từ 28/11-3/12 tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, Gia Lai. Sạt lở đất xảy ra tại nhiều nơi.

Thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2021 ước tính trên 4.970 tỷ đồng, bằng 22% 10 năm vừa qua.